Tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước triển khai mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào công cuộc chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo khí thế mới, củng cố niềm tin của nhân dân. Trong công cuộc đó có sự đóng góp đắc lực của lực lượng báo chí cách mạng, những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực đầy thử thách, cam go.
Một loạt vụ việc sai phạm về đất đai tại Bình Thuận đã được báo chí phát hiện, góp phần giúp cơ quan chức năng có thêm căn cứ để điều tra, xác minh. Ảnh St: Huyền Trang
Một loạt vụ việc sai phạm về đất đai tại Bình Thuận đã được báo chí phát hiện, góp phần giúp cơ quan chức năng có thêm căn cứ để điều tra, xác minh. Ảnh St: Huyền Trang

Phát hiện từ xa, đánh chặn từ sớm

Thời điểm tháng 4/2020, dư luận tỉnh Bình Thuận râm ran nghi vấn chuyện có lợi ích nhóm, tham nhũng, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước trong việc hàng loạt quỹ đất vàng được giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá. Để làm rõ vấn đề, một nhóm nhà báo trẻ gặp được ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, người nắm rất nhiều thông tin về các dự án đất vàng mà Tỉnh giao doanh nghiệp. Thông tin từ ông Đinh Trung giúp các nhà báo phác thảo sơ bộ hồ sơ loạt dự án giao đất không qua đấu giá gồm: Khu du lịch Hòn Lan, sân golf Phan Thiết; Dự án Lấn biển và sắp xếp lại dân cư phường Đức Long (Hamubay); Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, Dự án Rừng dầu Hồng Liêm, Khu du lịch dã ngoại Bồng lai tiên cảnh; Khu du lịch sinh thái Xuân Quỳnh.

Từ những dữ liệu ban đầu đó, nhóm nhà báo thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn, hàng trăm trang tài liệu được thu thập từ nhiều nguồn. Sau 4 tháng thu thập, đối chiếu và phân tích tài liệu, những bài đầu tiên về loạt dự án giao đất không qua đấu giá được đăng tải trên báo chí. Ngay lập tức, loạt bài điều tra tạo ra cơn chấn động trong dư luận, đảng viên, nhân dân Bình Thuận. Sau đó, dù chịu áp lực lớn, nhóm nhà báo trẻ vẫn bám sát nguồn tin, cho ra hàng loạt tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu. Từ hiệu ứng báo chí, một số đảng viên lão thành đứng ra tố giác dấu hiệu sai phạm tại các dự án. Kết quả là các cơ quan hữu trách vào cuộc kiểm tra, điều tra làm rõ chân tướng sự việc. Ngày 10/2/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 người là cựu chủ tịch, phó chủ tịch UBND Tỉnh và lãnh đạo các sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính. Ngày 26/4/2022, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và nhiều nguyên lãnh đạo cao cấp, trong đó có 2 cựu Bí thư Tỉnh ủy. Hiện tiến trình điều tra đối với 9 dự án vẫn đang được tiến hành.

Cùng thời điểm, vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng khiến nhiều đảng viên vướng vòng lao lý. Cụ thể, ngày 9/2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an quyết định bắt tạm giam bị can Nguyễn Minh Khải, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM. Ngoài ra, 3 bị can khác là Võ Thị Chinh Nga (Phó giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó giám đốc) và Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức) cũng bị khởi tố bị can và bắt tạm giam. Tiếp tục mở rộng điều tra, ngày 24/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 4 cán bộ, viên chức Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Điều đáng tiếc là dấu hiệu vi phạm tại Bệnh viện Mắt TP.HCM được báo chí phát hiện từ sớm và đăng tải loạt bài viết trong thời gian dài (từ tháng 6/2018 đến đầu năm 2020). Tuy nhiên, phản ánh từ báo chí đã không được lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM ghi nhận, tiếp thu để kịp thời ngăn chặn, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Hai vụ án nêu trên chỉ là những ví dụ về hoạt động tác nghiệp của báo chí trong hàng trăm vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được báo chí phát hiện, cơ quan chức năng xử lý thời gian gần đây. Đó là minh chứng việc báo chí phát huy vai trò như một lực lượng tích cực, tiên phong trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta đề xướng. Tính tiên phong của báo chí biểu hiện ở vai trò “điều tra bằng nghiệp vụ báo chí” phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực từ xa và góp phần đánh chặn bằng các thông tin cẩn trọng, kịp thời.

Công cụ đắc lực, chống để xây tốt hơn

Nhận xét về vai trò, những đóng góp của báo chí trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Bình Thuận thời gian gần đây, ông Đinh Trung cho biết, báo chí đã chủ động, tích cực tham gia đấu tranh và thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Nhà báo đã dấn thân, không ngại khó khăn, áp lực để điều tra, theo đuổi đến cùng, tìm hiểu cặn kẽ bản chất sự việc nhằm thông tin tới công chúng và phản ánh tới các cơ quan hữu trách. Báo chí không chỉ có công đầu phát hiện dấu hiệu tiêu cực, phanh phui sai phạm mà còn bám sát diễn biến để thông tin khách quan, trung thực, kịp thời định hướng dư luận, phản bác giọng điệu xuyên tạc trên không gian mạng nhằm khẳng định tính đúng đắn của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Bình Thuận. Qua đó củng cố niềm tin, kỳ vọng của đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Những năm gần đây, các thông tin công khai, minh bạch trên báo chí góp phần giúp cơ quan chức năng có thêm căn cứ để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời tạo áp lực dư luận xã hội, thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí nêu ra.

Tính từ đầu năm 2022, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can. Trong đó, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ án: “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở Học viện Quân y; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP FLC; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH TM-DV khách sạn Tân Hoàng Minh; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Việt Á…

Hòa mình trong cuộc chiến này, báo chí đã duy trì dòng chảy thông tin liên tục với hàng nghìn tin, bài phản ánh, đồng thời tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Thông tin báo chí đã kịp thời cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí cũng thực hành tốt chức năng góp ý, phản biện cho Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thêm một kênh thông tin quan trọng, hữu ích nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những công việc báo chí đang làm trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực cũng phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước được nhân dân ủng hộ, cổ vũ. Đầu năm 2022, trong Kết luận phiên họp thứ 21, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có nhiệm vụ: “Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, không tiêu cực, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết là thực hiện trách nhiệm nêu gương… Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Chuyên đề