Tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu

(BĐT) - Nhắc đến câu chuyện Việt Nam chỉ mới thu “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một lựa chọn không thể khác là doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, theo nhiều ý kiến, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn lực hơn.
Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Ảnh: Huấn Anh
Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Ảnh: Huấn Anh

Theo Thủ tướng, thời gian qua, tăng trưởng thương mại, GDP tích cực của Việt Nam có nguyên nhân từ sự nỗ lực hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài, tham gia các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn. Theo đó, đã hướng được dòng chảy của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia đi qua Việt Nam. Điển hình như hợp tác sản xuất và xuất khẩu hàng hóa “có địa chỉ” nằm trong các kênh phân phối của Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel… Tuy vậy, chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

TS. David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Mỹ) cho biết, nghiên cứu về chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy, thường thì xuất khẩu trực tiếp do các doanh nghiệp đa quốc gia đang quản lý các chuỗi giá trị toàn cầu thực hiện. Nhưng giá trị gia tăng trong các mặt hàng xuất khẩu ở Trung Quốc và các nước khác chủ yếu đến từ khu vực tư nhân trong nước, cũng là khu vực tạo nhiều việc làm nhất.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tại một hội thảo gần đây, ông Ron Ashkin - Giám đốc dự án liên kết USAID - chỉ ra, chính việc áp dụng kỹ thuật kém khiến năng suất lao động thấp; việc thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, thiếu lao động có tay nghề... khiến Việt Nam ít có doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi. Cộng với việc kết nối kém với nguồn tài chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn ông David Dollar cho rằng, dù có vai trò quan trọng đối với phát triển, nhưng khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam bị tụt hậu do khó tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu…

Giải pháp để mạnh mẽ tiến lên những nấc thang có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, Thủ tướng nhấn mạnh, không còn cách nào khác doanh nghiệp Việt phải phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ. Qua đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới. Nhìn rộng ra, đây chính là phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước, các chuyên gia quốc tế cho rằng, chi phí để doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo là không nhỏ, đây chính là áp lực lớn đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước khi ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc khuyến nghị, Chính phủ cần thiết kế các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để kích thích và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo ở mỗi giai đoạn đổi mới qua ưu đãi, hỗ trợ về tài chính và tài khóa, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm công nghệ mới.

Song song với nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng cần được tháo gỡ những khó khăn, rào cản để phát triển. Theo ông David Dollar, cần xác định rõ các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và dành phần còn lại cho các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, viễn thông sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận đầu vào tốt hơn.

Cốt lõi hơn, để khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn lực, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, cần làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất, hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội.

Chuyên đề