Số liệu thanh toán vốn đầu tư công tới hết tháng 10/2022 cho thấy, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm |
Theo số liệu thanh toán vốn đầu tư công ước thực hiện tháng 10/2022 của Bộ Tài chính, Dự án Thu hồi đất, bồi thường, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng. Tổng lũy kế đã bố trí vốn đến năm 2021 là hơn 22.855 tỷ đồng, trong đó năm 2018 là 5.500 tỷ đồng, năm 2019 là 6.990 tỷ đồng, năm 2020 là 6.705 tỷ đồng và năm 2021 là 4.660 tỷ đồng. Tính tới 30/10/2022, ước giải ngân 16.646 tỷ đồng, đạt 72,83% kế hoạch được giao. Như vậy, số vốn đã được bố trí nhưng chưa thể giải ngân của dự án trọng điểm quốc gia này còn khoảng 6.209 tỷ đồng, tương ứng 27,17%. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai (Chủ đầu tư), hiện đã giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 96%. Tuy nhiên, niên độ Dự án (2017 - 2021) đã kết thúc nên việc giải ngân gặp khó khăn. Chính phủ cho phép giải ngân đến hết năm 2022 nhưng các dự án thành phần khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cần phải gia hạn lại tiến độ hợp đồng. Tỉnh đang xin Trung ương gia hạn giải ngân nguồn vốn đến năm 2023.
Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, theo Bộ Giao thông vận tải, đến cuối tháng 10/2022, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời, trong đó có 2 vị trí đường điện cao thế thuộc tỉnh Bình Thuận. Về thi công xây dựng, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đạt khoảng 30.224 tỷ đồng trên tổng số 57.435 tỷ đồng của toàn Dự án, tương ứng 52,6% giá trị hợp đồng. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, tiến độ chung bị chậm khoảng 3% so với kế hoạch.
Đáng lo là tiến độ 4 dự án dự kiến hoàn thành vào 31/12/2022 mới đạt sản lượng trung bình 70,1% so với giá trị hợp đồng, chậm khoảng 4% so với kế hoạch. Đó là các dự án cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Với 4 dự án khác dự kiến hoàn thành năm 2023, sản lượng trung bình đạt 54% giá trị hợp đồng, hiện tại đáp ứng tiến độ. Đối với 2 dự án hoàn thành năm 2024, sản lượng trung bình đạt 20,9% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% so với kế hoạch.
Thông tin từ Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long, BQLDA 7 cho biết, đến hết tháng 10/2022, tổng sản lượng xây lắp tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 58,06%; Phan Thiết - Dầu Giây đạt 62,36%; Mai Sơn - Quốc lộ 45 đạt 72% giá trị hợp đồng. Cá biệt, cao tốc Cam Lộ - La Sơn còn khoảng 26 km bê tông nhựa các lớp và một số hạng mục như an toàn giao thông của tuyến chính, đường gom, đường ngang, nút giao... chưa hoàn thành do bão số 5 và số 6 ảnh hưởng đến công tác thi công. Do đó, BQLDA đường Hồ Chí Minh đang kiến nghị gia hạn tiến độ đến hết quý I/2023. Như vậy, thời hạn cơ bản hoàn thành 4 dự án cao tốc trên đã cận kề, nhưng khối lượng thi công còn nhiều, khó “cán đích” thông xe kỹ thuật vào 31/12/2022.
Về góc độ nguồn vốn, theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là 78.461 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách nhà nước đã bố trí cho kế hoạch hàng năm là 47.986 tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2022 là 15.484 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa giao khoảng 30.483 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/10/2022, số vốn giải ngân là 41.371 tỷ đồng, đạt 86,2% tổng kế hoạch được giao, trong đó, số vốn giải ngân thuộc kế hoạch năm 2022 là 9.569 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch năm.
Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào tháng 7/2022, trong đó giao các BQLDA (thuộc Bộ) làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc GPMB cho các địa phương Dự án đi qua để triển khai thực hiện. Tới nay, các BQLDA đang xây dựng tiến độ triển khai chi tiết để đảm bảo khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022 theo yêu cầu của Chính phủ.
Về công tác GPMB, các địa phương đã thực hiện trích đo tại thực địa đạt 99,5% và kiểm kê tài sản trên đất đạt 93%. Việc triển khai xây dựng các khu tái định cư, lập phương án đền bù, GPMB… cũng đang được tích cực thực hiện. Tổng vốn kế hoạch đã giao của Dự án là hơn 119.644 tỷ đồng, trong đó vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 47.168 tỷ đồng và vốn nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.476 tỷ đồng. Số vốn này hiện đã được Bộ Giao thông vận tải phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm 2022 (8.591 tỷ đồng) cho từng dự án thành phần. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tổng vốn được giải ngân đến hết ngày 30/10/2022 là 949,6 tỷ đồng, chỉ bằng 11,1% kế hoạch năm 2022.