Thuốc nào chữa bệnh hủy thầu tùy tiện?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư hủy thầu giữa chừng với lý do đưa ra không thuộc các trường hợp được hủy thầu quy định tại Luật Đấu thầu 2023, làm kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu, gây thiệt hại và suy giảm lòng tin của nhà thầu. Theo chuyên gia đấu thầu, căn nguyên của tình trạng này là do cấp thẩm quyền buông lỏng việc kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu và có phần nương nhẹ với các hành vi sai phạm của các chủ đầu tư.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngày 21/6/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh (TP.HCM) có quyết định hủy thầu Gói thầu Thi công xây dựng (đã bao gồm chi phí đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công) thuộc Dự án Đường kênh số 8 (bờ trái), điểm đầu đường Vườn Thơm, điểm cuối là đường kênh Liên Vùng thuộc xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (giá gói thầu 24,8 tỷ đồng). Lý do là kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu (HSMT) đã đăng tải sai phương thức lựa chọn nhà thầu so với Quyết định số 2806/QĐ-UBND ngày 5/4/2024 của UBND huyện Bình Chánh về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án trên.

Quyết định hủy thầu này được phê duyệt sau khi mở thầu 2 ngày với 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thi công xây dựng cầu đường Hồng An (nhà thầu nộp HSDT gói thầu trên) bày tỏ thất vọng trước quyết định hủy thầu bởi lý do hủy thầu không thuyết phục, các nhà thầu đã mất nhiều công sức để lập HSDT.

Cũng tham dự gói thầu trên, cán bộ của Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Anh Tuấn cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến hủy thầu thì phải đền bù chi phí cho các bên liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, chẳng có chủ đầu tư nào đền bù chi phí này, nhà thầu muốn được đền bù thì phải kiện ra tòa án.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Kon Tum có quyết định hủy thầu Gói thầu số 01 Xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa các cầu: Km161+225, Km167+885, Km188+133, Km189+932, Km191+767, Km203+429, Quốc lộ 40B, tỉnh Kon Tum sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu hơn 1 tháng. Gói thầu có 3 nhà thầu nộp HSDT thì 2 nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Nhà thầu duy nhất bị đánh giá không đạt yêu cầu về kỹ thuật bởi tiêu chí gây hạn chế nhà thầu. Thay vì tiến hành đánh giá lại HSDT sau khi loại bỏ tiêu chí gây hạn chế nhà thầu thì Chủ đầu tư lại hủy thầu với lý do được công bố là theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023.

Ngày 27/6/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP. Quảng Ngãi ban hành quyết định hủy thầu Gói thầu số 09 Thi công xây dựng + lắp đặt thiết bị công trình đầu tư, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng công cộng các tuyến đường và thôn hẻm phố trên địa bàn. Quyết định này được đưa ra sau 6 tháng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Lý do hủy thầu được đưa ra là: theo khoản 1, khoản 3 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023; hoàn thiện thủ tục điều chỉnh mục tiêu, phạm vi đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Quảng Ngãi…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phùng Hưng (địa chỉ tại Quảng Ngãi) cho rằng, những quyết định hủy thầu vô lý, khiên cưỡng có thể bắt nguồn từ việc chủ đầu tư không chọn được nhà thầu “ruột” trúng thầu. Dấu hiệu là chủ đầu tư soi mói các lỗi nhỏ vặt của nhà thầu “lạ” để loại bỏ, nếu không loại được thì tìm cách trì hoãn, gây khó khăn đủ đường rồi hủy thầu.

Ông Đỗ Văn Như - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây lắp HD (địa chỉ tại Hà Nội) cho biết, thực tế tham gia đấu thầu nhiều gói thầu ở tỉnh Ninh Bình cho thấy, một số chủ đầu tư đã “ỉm” lý do loại nhà thầu và quay sang hủy thầu vì không chọn được nhà thầu “như ý”. Nhà thầu đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không biết chính xác lý do mình bị loại, còn lý do hủy thầu mà Chủ đầu tư công bố thường cố ép vào một trong các trường hợp cố định theo quy định pháp luật về đấu thầu mà không đúng bản chất sự việc.

Theo bà Phạm Minh Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua, tình trạng một số chủ đầu tư hủy thầu không đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, hủy thầu tùy tiện và thiếu cơ sở là do cấp có thẩm quyền buông lỏng việc kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong đấu thầu. Tình trạng các chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn cố tình cài cắm các điều kiện để hạn chế nhà thầu trong HSMT khi bị kiến nghị, phát hiện không bị xử lý thích đáng, dẫn đến các hành vi sai phạm lặp đi lặp lại. Trong khi đó, theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 77 Luật Đấu thầu 2023, trách nhiệm của người có thẩm quyền là điều chỉnh nhiệm vụ và thẩm quyền của chủ đầu tư trong trường hợp không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các yêu cầu của dự án, gói thầu (nói cách khác là truất quyền làm chủ đầu tư đối với những chủ đầu tư làm sai quy định, không đủ năng lực thực hiện).

Chuyên đề