Thúc tiến độ đưa khí vào bờ từ mỏ Cá Voi Xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những vướng mắc về thủ tục đầu tư Dự án Khai thác phát triển khí từ mỏ Cá Voi Xanh đang được Chính phủ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, địa phương nơi Dự án hiện diện nhằm sớm đưa dòng khí được khai thác vào bờ.
ExxonMobil Việt Nam cùng PVN đang nỗ lực đưa dòng khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, bổ sung nguồn năng lượng cho Việt Nam
ExxonMobil Việt Nam cùng PVN đang nỗ lực đưa dòng khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, bổ sung nguồn năng lượng cho Việt Nam

Tháng 1/2017, Thỏa thuận khung về phát triển Dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh tại miền Trung đã được ký kết giữa Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil). Thoả thuận nhằm triển khai tối ưu hóa thiết kế sơ bộ và thiết kế tổng thể Dự án tiến tới triển khai Dự án trong vòng 6 năm, mục tiêu đạt dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023.

Đến cuối năm 2019, nhiều hạng mục công việc quan trọng của Dự án đã hoàn thành và được các bộ, ngành phê duyệt/chấp thuận như đánh giá trữ lượng mỏ khí Cá Voi Xanh với trữ lượng thu hồi 148,95 tỷ m3 khí hydrocarbon; phạm vi đầu tư Dự án Phát triển mỏ Cá Voi Xanh bao gồm: các công trình thiết bị ngoài khơi, đường ống dẫn khí về bờ, nhà máy xử lý khí trên bờ và đường ống dẫn khí thương phẩm đến hộ tiêu thụ. Sau đó là những phiên đàm phán về thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ hai bên theo hướng sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng vào quý I/2020, triển khai xây dựng trong 4 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tiến độ không đạt được như mong đợi, Dự án vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Tài chính, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ExxonMobil Việt Nam về thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc liên quan đến Dự án.

Các nội dung bao gồm, đề nghị Bộ GTVT thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam xử lý vướng mắc về đầu tư, sử dụng cảng Kỳ Hà và phương án tuyến ống dẫn khí đi qua sân bay Chu Lai; Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết vướng mắc về giao đất, cho thuê đất đối với Dự án; thống nhất hướng tuyến giữa Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Nam về hạng mục đường ống dẫn khí, diện tích đặt đường ống liên quan đến Cảng hàng không Chu Lai.

Vị trí tiếp bờ dòng khí từ mỏ Cá Voi Xanh tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Vị trí tiếp bờ dòng khí từ mỏ Cá Voi Xanh tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Để tháo gỡ những vướng mắc này, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn ngày 10/7/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu kiến nghị với Đoàn công tác về đề xuất đã gửi đến Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam quản lý, sử dụng, khai thác và nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải Bến số 2, khu bến Kỳ Hà (hiện do Cục Hàng hải quản lý) để kịp thời phục vụ chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh; về đề nghị Bộ TN&MT sớm có văn bản hướng dẫn địa phương hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục thuê đất nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Được biết, để chuẩn bị mặt bằng triển khai Dự án, từ năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch khoảng 400 ha đất theo yêu cầu của nhà đầu tư. Trong đó, khoảng 289 ha đất quốc phòng đã được chuyển giao cho UBND tỉnh Quảng Nam, đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng được khoảng 98%.

Vấn đề tiếp theo là tuyến đường ống dẫn khí qua Cảng hàng không quốc tế Chu Lai đi Nhà máy Điện Dung Quất, Quảng Ngãi dù đã được thống nhất hướng tuyến lắp đặt (khu vực tiếp giáp hàng rào ranh giới phía Đông của Cảng hàng không quốc tế Chu Lai nhưng khu vực này chưa có chủ trương chuyển giao đất quốc phòng cho UBND tỉnh Quảng Nam.

Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía Đông, vị trí tiếp bờ của dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh là nhà máy xử lý khí đặt tại xã Tam Quang, thuộc Khu kinh tế Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam), do Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ là nhà điều hành. Theo tính toán, sau khi đầu tư hoàn thành các hạng mục, tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 - 10 tỷ m3, trong đó 1 tỷ m3 kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu; nộp ngân sách nhà nước 3.900 tỷ đồng/năm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư