Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2019, nhu cầu đầu tư xanh của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 ước tính khoảng 50 tỷ USD. Ảnh: Tường Lâm |
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam” do Học viện Chính sách và phát triển phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia hướng tới và tăng trưởng xanh được nhận định như chìa khóa để đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Tuy nhiên, thực tiễn chỉ ra rằng quá trình chuyển dịch xanh gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc bảo đảm tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp...”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, trong xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh thì khu vực tư nhân là động lực chính, trong đó DNNVV là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Song, phần lớn DN chưa nhận thức được khái niệm và sự quan trọng của chuyển đổi xanh, đây đó còn cho rằng, đó là sự xa xỉ, là sự kêu gọi có tính chất đạo đức nhiều hơn là về thương mại và hiệu quả kinh tế. Thực tế là DNNVV vẫn phải tập trung lo cơm áo gạo tiền, do đó chưa nhận thức được chuyển đổi xanh là con đường độc đạo, là vấn đề sống còn của DN. Đây chính là vấn đề của các hộ kinh doanh, các DN nhỏ và siêu nhỏ chứ không chỉ là DN lớn. Đây là “hộ chiếu” để tham gia thị trường trong nước và thế giới, tiếp cận mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới.
Trong xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh thì khu vực tư nhân là động lực chính, trong đó DNNVV là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.
“Trong quá trình chuyển đổi, khối DNNVV cần nhận thức chuyển đổi xanh như “trái tim” của phát triển DN hiện nay và tương lai. Hy vọng trên các sản phẩm, dịch vụ của DNNVV Việt Nam tới đây sẽ có dấu chỉ xanh để nói lên thực tế vào cuộc và trách nhiệm cụ thể trong góp sức phát triển xanh, định vị tương lai cho mình và thực thi tầm nhìn chiến lược của đất nước”, ông Lộc nêu quan điểm.
Bàn về thu hút đầu tư xanh, TS. Vũ Thanh Nguyên dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2019 cho thấy, nhu cầu đầu tư xanh của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 ước tính khoảng 50 tỷ USD, trong đó khoảng 20 tỷ USD cho phát triển năng lượng tái tạo và 30 tỷ USD còn lại để phát triển các lĩnh vực khác. Theo TS. Vũ Thanh Nguyên, trong thời gian qua với nỗ lực của mình, Chính phủ đã cố gắng hướng dòng vốn đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư vào các lĩnh vực xanh, song khả năng cung ứng vốn còn thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu đầu tư.
Do đó, để thu hút nguồn vốn từ khu vực FDI giúp nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, TS. Vũ Thanh Nguyên cho rằng, cần hoàn thiện các văn bản luật pháp liên quan đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án xanh. Cần triển khai các giải pháp để một mặt thu hút lao động có kỹ năng vào khu vực FDI, mặt khác nhanh chóng đào tạo lại cho công nhân để thích ứng với các thay đổi của khoa học công nghệ. Ưu tiên các dự án xây dựng một số hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.