Thúc đẩy tốc độ chuyển đổi hạ tầng bền vững tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 27/4, PwC Việt Nam tổ chức hội nghị về Dự án đầu tư và Cơ sở hạ tầng châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội, tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề "Xây dựng cơ sở hạ tầng cho hôm nay và ngày mai" và hành trình phát triển hạ tầng bền vững cho Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị về Dự án đầu tư và Cơ sở hạ tầng châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội
Toàn cảnh Hội nghị về Dự án đầu tư và Cơ sở hạ tầng châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội

Nghiên cứu mới nhất của PwC về hạ tầng cho thấy, các quốc gia có thu nhập bình quân từ trung bình đến thấp tại châu Á - Thái Bình Dương (TBD), bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, cần đầu tư tới 60% cơ sở hạ tầng mới để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, các quốc gia này đang thiếu năng lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh, cho thấy sự cần thiết trong việc tiếp cận những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và những quỹ đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển lại đang không hoàn thành cam kết về việc hỗ trợ 100 tỷ USD để giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu vào năm 2020, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang cho thấy tín hiệu khả quan khi quan tâm nhiều hơn đến các khoản đầu tư bền vững, và các yếu tố Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) đang trở nên ngày càng quan trọng trong quá trình phân tích và ra quyết định đầu tư, theo Khảo sát Nhà đầu tư toàn cầu của PwC.

Theo PwC, các chính phủ cần ưu tiên các yếu tố hạ tầng xanh và khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp một cách công bằng và hòa nhập, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự nâng cao năng lực và kỹ năng trong lĩnh vực này.

Sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân cũng rất cần thiết trong việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, đặc biệt là ở các khu vực có nguồn lực công hạn chế. Với nguồn tài chính, chuyên môn và năng lực của mình, các đơn vị tư nhân có thể giúp thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững.

Theo PwC, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này. Đất nước đang trong thời kỳ chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế thu nhập cao, và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó. Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai.

Hội nghị về Dự án đầu tư và Cơ sở hạ tầng châu Á - TBD là cơ hội cho các nhà lãnh đạo về cơ sở hạ tầng toàn cầu cũng như khu vực của PwC và các bên liên quan trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, bao gồm các tổ chức tài chính, khu vực công và tư nhân thảo luận về cách thức triển khai hiệu quả và các giải pháp đổi mới nhằm phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Hội nghị trao đổi các kinh nghiệm và các sáng kiến trong phát triển hạ tầng, thảo luận về tác động của các công nghệ thông minh, chuyển đổi năng lượng và hòa nhập xã hội. Hội nghị cũng thảo luận về thách thức mà các nhà đầu tư và Chính phủ phải đối mặt trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Để đối phó với những thách thức này, theo PwC, cần phải có kế hoạch dài hạn, lộ trình dự án rõ ràng, tích hợp các khung chiến lược và quy định địa phương với chính sách quốc gia để thu hút các nhà đầu tư tư nhân và các đối tác phát triển.

Chuyên đề