Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 11 tháng năm 2021 tăng mạnh nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao. Ảnh: Tường Lâm |
Đến hết ngày 30/11/2021, thu NSNN 11 tháng đạt 1.392,8 nghìn tỷ đồng, bằng 103,69% dự toán (ngân sách trung ương đạt 98,53% dự toán; ngân sách địa phương đạt 110% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 1.144 nghìn tỷ đồng, bằng 100,93% dự toán; thu từ dầu thô đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, bằng 165,65% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 209,6 nghìn tỷ đồng, bằng 117,44% dự toán.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa đã cơ bản đạt và vượt dự toán, gồm: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (101,6% dự toán), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (99,7% dự toán), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (108% dự toán), thuế thu nhập cá nhân (107,9% dự toán), thu về nhà, đất (121,6% dự toán), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (158% dự toán), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (177,1% dự toán) và thu khác ngân sách (107,2% dự toán).
Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, thu NSNN 11 tháng đầu năm vẫn vượt dự toán cả năm và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, số thu tháng 11 khả quan là do việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, có tác động tích cực đến số thu NSNN. Bên cạnh đó, trong tháng 11, thực hiện thu vào NSNN khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
TS. Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng: “Kết quả thu NSNN vượt dự toán khi mới tròn 11 tháng là hơi bất ngờ, nhưng phân tích cụ thể thì không hẳn quá khác biệt thực tế. Bởi lẽ, có những khoản thu rất đột xuất như 3.000 tỷ đồng do Đại sứ quán Mỹ trả tiền thuê đất xây trụ sở mới, nhiều khoản thuế và tiền thuê đất được giãn nộp nay đến hạn nộp… Điểm đáng chú ý là dự toán thu NSNN năm 2021 giảm gần 10% so với kết quả thực hiện năm 2020 là khá thận trọng và phù hợp với tình hình năm 2021. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, dự toán thu giảm so với năm trước”.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15% và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,7% cho thấy sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế suy yếu và có thể làm giảm nguồn thu NSNN. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, một số nguồn thu vẫn giữ đà tăng bền vững và một số khoản thu tăng đột xuất. Đơn cử, thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao, thu dầu thô vượt dự toán nhờ giá dầu tăng cao, các khoản thu phát sinh của năm 2020 nhưng ghi nhận vào năm 2021 như truy thu thuế nhà thầu của Formosa 2.257 tỷ đồng, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ đồng… Mặt khác, điểm đáng chú ý là thu ngân sách địa phương đã vượt 10% so với dự toán có đóng góp đáng kể từ việc tích cực bán đấu giá đất.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, các con số thu cho thấy vẫn còn một số điểm đáng ngại. Chẳng hạn, các khoản thu từ bán đất sẽ không còn dồi dào ở những năm tới bởi nguồn lực đất đai ngày càng hạn hẹp, thu từ dầu thô tăng năm nay nhưng có thể sẽ giảm trong năm sau. Do đó, năm 2022 và các năm tiếp theo, các khoản thu bất thường sẽ hạn chế hơn năm nay nên cần tìm kiếm các nguồn thu bền vững để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế và ổn định vĩ mô.
“Cần thực hiện nhanh các giải pháp hồi phục kinh tế và tích cực tái cơ cấu nền kinh tế để đẩy mạnh các nguồn thu bền vững từ hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Thịnh nói.
TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, các nguồn thu từ đất đai và khoáng sản vẫn còn trong những năm tới nhưng về lâu dài sẽ cạn kiệt. Do đó, cùng với việc thúc đẩy khôi phục kinh tế để tạo nguồn thu NSNN bền vững, cần tiếp tục đặt dự toán thu NSNN thận trọng và bám sát các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng và lạm phát làm cơ sở để “lường thu mà chi”, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và nguồn lực tài chính cho các mục tiêu phát triển kinh tế trung, dài hạn.