Báo chí góp sức cùng doanh nghiệp, cùng nền kinh tế băng qua khó khăn. Ảnh: Nam An |
Cần độc lập, khách quan, phản ánh nhiều hơn những vấn đề mà doanh nghiệp, người dân vướng mắc
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH Thái Bình, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Nhìn ở góc độ truyền thông chính sách, báo chí là kênh quan trọng để truyền tải thông tin chính sách đến các đối tượng có liên quan. Trong quá khứ, rất nhiều đạo luật đã thành công khi đi vào cuộc sống vì được truyền thông chính sách sớm.
Cụ thể, ngay từ khi chính sách còn là dự thảo, việc truyền thông chính sách giúp cho người dân và doanh nghiệp có thể đóng góp ý kiến; cơ quan soạn thảo có thêm thời gian để chuẩn bị nội dung tốt hơn. Đến khi luật được ban hành, những thông tin về chính sách tiếp tục được tuyên truyền rộng rãi, sâu sắc hơn, từ đó giúp người dân và doanh nghiệp hiểu và thực hiện hiệu quả.
Trên thực tế, có nhiều người không đọc văn bản luật nhưng họ có thể nắm bắt những điểm mới của chính sách pháp luật thông qua các tác phẩm báo chí. Như vậy, thông tin báo chí rất quan trọng và rất có ý nghĩa trong việc góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống.
Trong khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng như suy giảm tăng trưởng sau đó, báo chí tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc thông tin sâu sắc về những vướng mắc, bất cập của chính sách. Những thông tin kịp thời, cung cấp những bằng chứng rất cụ thể về khó khăn của doanh nghiệp… góp phần thúc đẩy sự thay đổi, để doanh nghiệp và nền kinh tế dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, báo chí cần độc lập, khách quan, phản ánh nhiều hơn những vấn đề mà doanh nghiệp, người dân vướng mắc, đồng thời tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp tháo gỡ. Nếu khó khăn được tháo gỡ kịp thời sẽ có tác động và ý nghĩa rất lớn đến các đối tượng liên quan.
Chỉ một thông tin không chính xác cũng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Với sự vào cuộc mạnh mẽ và rất trách nhiệm, các cơ quan báo chí đã giúp cho các ĐBQH có thêm nhiều thông tin khi tham gia phản biện chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật, giám sát thực hiện pháp luật; giúp rất nhiều cơ quan trong quản lý điều hành phát hiện bất cập, kẽ hở để từ đó đưa ra chính sách phù hợp.
Các cơ quan báo chí đã khẳng định được vai trò của mình, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp rất khó khăn hiện nay, vai trò của báo chí càng được thể hiện rõ nét. Từ phát hiện những khó khăn của các chủ thể trong thực thi chính sách pháp luật, cơ quan báo chí đã nêu nhiều kiến nghị một cách trực tiếp đến các cơ quan làm luật, cơ quan hành pháp để thúc đẩy các chỉ đạo, các quyết sách kịp thời gỡ khó. Tôi cho rằng báo chí là một trong những phương tiện, cách thức có thể giúp tháo gỡ nút thắt, khó khăn cho doanh nghiệp nhanh nhất. Ngược lại, trong quá trình triển khai hoạt động của mình, các doanh nghiệp cũng cần đồng hành, chia sẻ thông tin với báo chí thay vì tâm lý “sợ báo chí”.
Bên cạnh kết quả đạt được, cũng có nhiều luồng thông tin trái chiều, các cơ quan báo chí cần siết chặt kỷ cương hơn. Thời điểm hiện nay, doanh nghiệp hết sức khó khăn, chỉ một thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực đấu thầu, việc công khai minh bạch thông tin các gói thầu, đặc biệt thông qua hình thức đấu thầu qua mạng đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cử tri băn khoăn. Tôi tin rằng, quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật sẽ thúc đẩy công tác đấu thầu ngày một tốt hơn. Trong đó, việc công khai, minh bạch thông tin đấu thầu, nhất là thông tin hồ sơ mời thầu là rất quan trọng, cần thiết, giúp cho các nhà thầu có niềm tin để tham gia bằng năng lực, sự phù hợp của họ đối với gói thầu. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ lựa chọn được nhà thầu phù hợp và đạt được hiệu quả đầu tư tốt nhất.
Phản ánh đúng thực tiễn là một cách góp sức tạo nên hiệu quả xã hội
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Với vai trò là “cầu nối” thông tin, báo chí nói chung, trong đó có Báo Đấu thầu đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp tới các cơ quản lý. Từ những phản ánh đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu, xử lý kịp thời, tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điển hình, trong bối Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch thái quá, vô tình tạo nên những rào cản với người dân, doanh nghiệp. Báo chí đã vào cuộc, nói lên tiếng nói về những trở ngại, bất cập cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ. Lắng nghe người dân và doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời.
Báo Đấu thầu không chỉ phản ánh những điểm mới, điểm tích cực của chính sách pháp luật về đấu thầu mà còn nói lên “tiếng lòng” của các nhà thầu về những điểm cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, góp phần nâng cao hiệu quả chính sách. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà thầu gặp không ít trở ngại, Báo Đấu thầu có nhiều bài viết phản ánh vướng mắc của nhà thầu cũng như kiến nghị giải pháp tháo gỡ…
Là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi mong muốn thời gian tới, Báo Đấu thầu nói riêng cũng như báo chí nói chung tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò “cầu nối” thông tin, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ngày càng thuận lợi.
Báo Đấu thầu đã làm rất tốt vai trò của mình, góp phần nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu
Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Đoàn ĐBQH TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy
Đứng ở góc độ là nhà quản lý y tế, tôi rất cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành, sát cánh với ngành y tế, nói lên tiếng nói của người dân, nhà quản lý y tế trong việc tìm kiếm mọi giải pháp để cung cấp đủ thuốc và thiết bị y tế cho người bệnh. Phản ánh của báo chí đã tạo áp lực lớn cho các ban ngành, Chính phủ trong việc vào cuộc kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế.
Đặc biệt, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đưa ra những giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, vừa tăng tính chủ động cho ngành y tế. Vì vậy, cá nhân tôi đặc biệt cám ơn sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Đấu thầu.
Với vai trò là tờ báo chuyên sâu trong lĩnh vực đấu thầu, thời gian qua, Báo Đấu thầu đã làm rất tốt vai trò của mình, góp phần nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Tới đây, sau khi được Quốc hội thông qua, để Luật Đấu thầu (sửa đổi) đi vào cuộc sống hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm. Tôi mong rằng, Báo Đấu thầu tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong hoạt động thông tin tuyên truyền, phản biện, kiến tạo chính sách để công tác đấu thầu ngày càng hiệu quả.
Mô hình truyền thông hiệu quả là hình thành văn hóa đối thoại
Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời là vô cùng cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả là thông tin ấy kích thích sự tích cực, chủ động của công chúng… vào các hoạt động của xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mô hình truyền thông hiệu quả là hình thành văn hóa đối thoại, bảo đảm quyền được biết của công chúng, đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng, thực thi chính sách.
Trong bối cảnh hiện nay, công chúng ngày càng tiếp nhận thông tin nhiều hơn từ các phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất là góp ý, phản biện chính sách là việc khó, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, đầu tư nguồn lực và cả cách làm mới của những người làm truyền thông. Nhiều khi vấn đề đặt ra không chỉ là chính sách đúng mà quan trọng hơn là chính sách có khả thi, có hợp lý, có hiệu quả không? Tất cả những điều này đòi hỏi người làm báo không chỉ nắm vững những vấn đề về chính sách phức tạp mà còn phải có bản lĩnh và chuyên nghiệp.
Bên cạnh việc thay đổi nhanh chóng cả về nhận thức và tổ chức bộ máy để thích ứng với môi trường truyền thông số, thực tế đang đòi hỏi các cơ quan truyền thông cần đầu tư hơn cho nội dung, có nhiều hơn những tác phẩm chất lượng cao và có sức tác động lan tỏa, có những mô hình chiến lược truyền thông phù hợp, đa dạng. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, mới đấu tranh phản bác được thông tin xấu độc, sai sự thật.
Chúng ta đã thấy rằng, tốc độ lan truyền thông tin trên mạng rất nhanh chóng. Chúng ta cũng biết, trí tuệ nhân tạo AI đang tác động mạnh mẽ bằng sức mạnh ảo, ChatGPT, ca sĩ ảo, MC dẫn chương trình ảo, chuyên gia ảo đang hoạt động rất sôi động và không khác gì đời thật. Đây chính là thách thức và cũng là cơ hội đặt ra đối với báo chí. Vì vậy, cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI trong hoạt động truyền thông để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, chất lượng.