Thúc đẩy mạnh mẽ kết nối doanh nghiệp

(BĐT) - Gắn kết và cùng hợp tác để phát triển lớn mạnh là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân - Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Ảnh: Đức Trung
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Ảnh: Đức Trung

Khẳng định khu vực tư nhân là động lực quan trọng

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có 600.000 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có nhiều công ty tư nhân và công ty cổ phần lớn trên thị trường quốc tế. Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập trong 1 năm, bình quân cứ 1 giờ có 12 DN được thành lập mới. Ngoài ra, còn phải kể đến lực lượng đông đảo hơn là 3,5 triệu hộ cá thể trên cả nước là lực lượng kinh tế quan trọng góp phần hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế vào năm 2020.

Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách hành chính... để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam chủ động tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư theo hình thức PPP, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính phủ đặc biệt khuyến khích phát triển DN hỗ trợ, nhất là DN nhỏ và vừa tham gia cung ứng linh kiện, phụ tùng, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của DN FDI.

Về phía DN FDI, Thủ tướng cho rằng, khu vực FDI là một mắt xích không thể tách rời và đã có đóng góp quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của DN FDI. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn khu vực FDI với thế mạnh về công nghệ, vốn, năng lực quản trị, sẽ có những cam kết cụ thể hỗ trợ, liên kết với DN trong nước để cùng nhau phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích chung. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bảo hộ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ và trên hết là chung tay hành động vì DN.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thách thức của hội nhập ở phía trước là không nhỏ, bởi mỗi bước tiến bộ của Việt Nam chưa thể sánh được với những bước tiến dài và nhanh của thế giới; nhiều DN chưa xây dựng và củng cố được khát vọng lớn mạnh, vươn cao và vươn xa hơn... 

Năm của doanh nghiệp

Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập trong 1 năm, bình quân cứ 1 giờ có 12 DN được thành lập mới.
Trước đó, phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2016 là năm của DN, không chỉ là năm đánh dấu chặng đường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của cộng đồng DN để hướng tới một kỷ nguyên hội nhập, hợp tác, cùng phát triển, mà còn là một năm cộng đồng DN nhận được sự quan tâm nhiều nhất của cả hệ thống chính trị và xã hội nhằm phát triển một lực lượng DN mạnh mẽ, xứng đáng là động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển đất nước.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào, Chính phủ và các bộ, ngành dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi. Cũng ít có thời điểm nào Chính phủ dành nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các DN như những tháng qua”.

Đồng Chủ tịch VBF 2016, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là việc rà soát và sửa đổi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ông Kyle F. Kellhofer, Giám đốc khu vực Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh tới cố gắng ổn định vĩ mô, giữ trần nợ công của Việt Nam. Còn Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam Virginia B. Foote đánh giá: “Các DN và nhà đầu tư đang được hưởng sự ổn định, tăng trưởng mà nhiều quốc gia khác trong khu vực phải ghen tỵ”.

Tại Diễn đàn, đại diện các hiệp hội DN trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó tập trung vào 7 nội dung như: tăng cường năng lực cho các DN nhỏ và vừa; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; nâng cao nguồn nhân lực và yêu cầu  đào tạo; phát triển thị trường vốn; cải thiện kết cấu hạ tầng và cơ chế PPP...; năng lượng sạch và tái tạo; biến đổi khí hậu và môi trường.

Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn đánh giá: “Môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt trong thời gian qua, nhưng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN, thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của DN thì lại càng xa”... Ông Vũ Tiến Lộc hy vọng, những kiến nghị được nêu tại Diễn đàn sẽ nhận được giải pháp thấu tình đạt lý, thúc đẩy kết nối DN FDI và DN tư nhân trong nước theo thế ba chân kiềng, trong đó Nhà nước là bệ đỡ, DN FDI có vai trò dẫn dắt kết nối với DN trong nước trở thành DN vệ tinh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư