Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức ngày 12/4/2024, ông Smail Alhilali - Trưởng ban Kinh tế tuần hoàn và Quản trị hóa chất của UNIDO trụ sở chính cho rằng, thúc đẩy tính tuần hoàn trong các KCN có thể giúp Việt Nam không chỉ giảm tác động môi trường mà còn tạo cơ hội đổi mới và tăng trưởng xanh.
Các KCN có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn
Các KCN có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn

Thúc đẩy phát triển bền vững

“Rõ ràng, những cơ hội kinh tế tuần hoàn đã, đang và sẽ góp phần rất lớn trong quá trình thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Smail Alhilali nhận xét và cho rằng, tiềm năng phát triển KCN sinh thái trở thành trung tâm đem lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam.

Thực tế đang chứng minh, mô hình KCN sinh thái có vai trò rất lớn trong việc xanh hóa các KCN, thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung và KCN nói riêng.

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng và thể hiện cam kết chính trị đối với các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam không thể không thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các KCN.

Muốn làm được điều này, quá trình chuyển đổi sang phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam cần được tăng tốc. Sự tăng tốc này không chỉ thông qua việc thúc đẩy chính sách mà còn khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan.

Ông Jerome Stuki, Trưởng ban Kinh tế tuần hoàn và Hiệu quả tài nguyên của UNIDO trụ sở chính khẳng định, UNIDO sẽ cam kết hỗ trợ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững thông qua thúc đẩy tính tuần hoàn trong ngành công nghiệp.

Vẫn theo ông Jerome Stuki, UNIDO sẽ đóng vai trò cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và kỹ thuật về sử dụng các nguồn tài nguyên sạch hơn và hiệu quả hơn, bao gồm nguyên vật liệu, năng lượng và nước, đồng thời thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và mô hình hợp tác kinh doanh trong phát triển các KCN sinh thái.

Nhiều ý kiến thảo luận cũng khẳng định, các KCN có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, các cơ hội và thách thức vẫn luôn song hành cùng nhau trong các hoạt động kinh tế tuần hoàn giữa các ngành công nghiệp khác nhau trong KCN.

Tìm kiếm cách thức gắn kết

Một điều được khá nhiều chuyên gia lưu ý là, Việt Nam cần tìm kiếm cách thức gắn kết, nhất là sự gắn kết giữa mục tiêu phát triển đô thị thông qua các giải pháp cộng sinh đô thị và công nghiệp.

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng cơ quan Hợp tác và Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam đánh giá, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển công nghiệp bền vững và cạnh tranh ở Việt Nam. Theo bà, chương trình KCN sinh thái chính là cơ sở hình thành môi trường kinh doanh thân thiện theo hướng đổi mới.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc, Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED) - Đại học Quốc gia TP.HCM, dẫn định nghĩa kinh tế tuần hoàn của Kirchherr cho hay, một nền kinh tế tuần hoàn mô tả một hệ thống kinh tế dựa trên các mô hình kinh doanh thay thế cho khái niệm “hết vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi nguyên liệu trong quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng...

Do đó, hoạt động ở cấp độ vi mô (sản phẩm, công ty, người tiêu dùng), cấp độ giữa (KCN sinh thái) và cấp vĩ mô (thành phố, khu vực, quốc gia và rộng hơn), phải hướng tới mục đích đạt được sự phát triển bền vững, bao hàm việc tạo ra chất lượng môi trường, thịnh vượng kinh tế và công bằng xã hội, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai.

Ông Christian Susan, Quản lý Chương trình KCN sinh thái toàn cầu, Ban Hiệu quả tài nguyên công nghiệp, UNIDO trụ sở chính lưu ý, cộng sinh công nghiệp là một hình thức giúp các công ty có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua chia sẻ dịch vụ với các công ty khác hoặc các khu vực lân cận hợp tác trao đổi sản phẩm cụ thể, năng lượng, nước và sản phẩm phụ với các công ty khác hoặc các khu vực lân cận, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững.

Các KCN có nhiều doanh nghiệp (DN) tập trung trở thành nền tảng lý tưởng cho việc thúc đẩy các phương pháp tiếp cận hợp lực DN. Mối quan hệ cộng sinh giữa các DN giúp làm giảm nhu cầu tài nguyên và có thể duy trì sử dụng tài nguyên trong thời gian dài hơn và cho nhiều mục đích, thúc đẩy tính tuần hoàn.

Tại Việt Nam, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế cũng đã đề cập đến một số vấn đề quan trọng trong kinh tế tuần hoàn như KCN sinh thái, cộng sinh công nghiệp, cũng như một vấn đề liên quan đến đầu tư trong các loại hình công nghiệp thân thiện môi trường.

Có thể khẳng định, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam luôn nhận được sự thống nhất chỉ đạo từ Trung ương và hiện các địa phương đang áp dụng tốt. Theo các chuyên gia, với vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chắc chắn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chinh phục được những mục tiêu mới trong lĩnh vực này.

Chuyên đề