Thúc đẩy hướng đi xanh trong sản xuất xi măng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh nguồn cung xi măng dư thừa, yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng cao và cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp (DN) xi măng Việt Nam cần tăng tốc chuyển đổi sang sản xuất xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các cam kết quốc tế.
Đến năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Ảnh: Lê Tiên
Đến năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Ảnh: Lê Tiên

Yêu cầu tăng tốc hơn nữa sản xuất xanh

Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản gửi các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc về việc lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại các dây chuyền sản xuất xi măng, từ đó sớm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có 63 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất lò nung ≥ 2.500 tấn clinker/ngày, trong đó, có 35 dây chuyền đầu tư hệ thống phát điện nhiệt khí thải lò nung xi măng đi vào hoạt động, với tổng công suất phát điện khoảng 255 MW. Việc đầu tư hệ thống phát điện nhiệt khí thải lò nung xi măng đã giảm được 25 - 30% chi phí điện năng cho sản xuất xi măng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 28 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất lò nung ≥ 2.500 tấn clinker/ngày chưa lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Trong khi đó, yêu cầu đến năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho rằng, sản xuất xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển xanh, bền vững, hiện thực hóa cam kết của Chính phủ trong việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Theo ông Cung, hầu hết các nhà máy sản xuất xi măng trên thế giới được đầu tư xây dựng có sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nhưng đang chuyển mạnh sang nhiên liệu thay thế với việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu. Công nghệ này cũng đang được các nhà sản xuất xi măng Việt Nam nghiên cứu để áp dụng.

“Sản xuất xanh là sử dụng nhiệt thừa để phát điện, giảm thành phần clinker trong xi măng hay sử dụng rác để đốt thay cho nhiên liệu than hóa thạch… Hơn nữa, việc lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại các dây chuyền sản xuất xi măng cũng không tốn nhiều chi phí nên các DN hăng hái ủng hộ thực hiện”, ông Cung nhận xét.

Doanh nghiệp chuyển động

Ông Cung cho biết, càng về cuối năm 2024, tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng có xu hướng tốt lên. “Theo thống kê của Hiệp hội, năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng đạt 101 triệu tấn. Điều đáng mừng là tiêu thụ xi măng đã tăng trở lại. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 65 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023. Với đà tăng này, nhiều khả năng sản xuất và tiêu thụ xi măng năm nay sẽ tốt hơn, nhất là khi nhiều công trình hạ tầng tiếp tục được triển khai xây dựng…”, ông Cung nhận định.

Nhiều DN sản xuất xi măng như Công ty Xi măng VICEM Hoàng Thạch, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Xuân Thành… cũng bày tỏ tin tưởng tình hình tiêu thụ năm 2025 sẽ tốt hơn.

Tuy vậy, các DN cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung trong nước rất lớn, cạnh tranh sẽ ngày gay gắt hơn, đặc biệt là khi các thị trường xuất khẩu áp dụng quy định về bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đã công bố áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) để thực hiện thỏa thuận xanh trong lĩnh vực khí hậu, trong đó, xi măng là 1 trong số 6 nhóm hàng hóa bị áp dụng cơ chế này theo lộ trình…

Do đó, thúc đẩy sản xuất xanh đối với DN xi măng không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp sống còn trong hành trình phát triển bền vững. Nhiều nhà máy xi măng Việt Nam đã và đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất xanh.

Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hải Phòng cho biết vừa chọn xong nhà thầu thực hiện Gói thầu số 1 Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Dự án được đầu tư nhằm đồng bộ một hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện từ dây chuyền sản xuất clinker trong Nhà máy Xi măng Hải Phòng với công xuất lắp đặt là 5 MW.

Trước đó, Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Tam Điệp cũng lựa chọn được Liên danh Sinoma International Engineering Co., Ltd. - Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 234 - Công ty CP Xây dựng công nghiệp T&Tcons thực hiện Gói thầu số 1 Thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình. Đây là gói thầu EPC thuộc Dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Dự án được đầu tư với mục tiêu tận dụng nguồn nhiệt thải trong sản xuất để phát điện, nhằm tiết kiệm điện năng cho sản xuất, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm bụi, nhiệt trong môi trường, giảm phát thải CO2, bảo vệ môi trường…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư