Thúc đẩy đầu tư, kinh doanh doanh nghiệp Việt - Lào

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào, sáng ngày 21/3/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Khăm-chên Vông-phô-sỷ đã đồng chủ trì Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (trái) và Bộ trưởng Khăm-chên Vông-phô-sỷ đồng chủ trì Tọa đàm. Ảnh: MPI
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (trái) và Bộ trưởng Khăm-chên Vông-phô-sỷ đồng chủ trì Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tọa đàm nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và xúc tiến một số dự án hợp tác đầu tư mới, mang tính chiến lược trong thời gian tới. Đây là sự kiện khởi đầu trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Lào lần này.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sự kiện nhằm quán triệt và thực hiện kết luận của hai đồng chí Tổng Bí thư Việt Nam và Lào tại cuộc gặp mặt Bộ Chính trị hai nước năm 2022, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/1/2022 về tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, cụ thể hóa và thúc đẩy trọng tâm hợp tác phát triển và kết nối hai nền kinh tế nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, đây cũng là hoạt động để thực hiện nhiệm vụ hai đồng chí Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Lào giao tại Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa hai nước và tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Lào với doanh nghiệp hai nước, diễn ra tại Hà Nội ngày 10/1/2022, trong đó nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, phát triển các chuỗi cung ứng…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hợp tác kinh tế là trụ cột chính, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hợp tác kinh tế là trụ cột chính, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Đánh giá về hợp tác đầu tư giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa… (ước tính đóng góp về thuế và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho Chính phủ Lào trong 5 năm gần đây đạt hơn 1 tỷ USD).

Cũng tại cuộc Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, hai bên cần tập trung ưu tiên thực hiện tốt các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2022 - năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào và kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Doanh nghiệp hai nước tập trung trao đổi và đánh giá các kết quả đạt được trong việc thu hút đầu tư của Việt Nam tại Lào cũng như các khó khăn, vướng mắc còn gặp phải trong thời gian qua. Hai bên cần thúc đẩy hơn nữa trong hoạt động đầu tư, kinh doanh,… để bổ sung cho nhau, tận dụng các cơ hội của nhau và cùng tìm ra cơ hội, vượt qua thách thức.

Phía cơ quan Lào rà soát, tạo điều kiện để các chủ trương, chính sách tại Lào thông thoáng, ổn định và hấp dẫn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư và hoạt động. Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Lào nhằm tháo gỡ các khó khăn và tạo môi trường đầu tư tốt nhất, thu hút các dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào có tính hiệu quả và đột phá, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa 2 nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra 5 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, minh bạch; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tại Lào. Hai bên cần có cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm có tính chiến lược đòn bẩy trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; đẩy mạnh việc tiếp cận, huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển cùng tham gia vào các dự án hợp tác lớn, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước. Phía Lào cần tập trung xử lý kiến nghị về tồn tại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của một số dự án đầu tư quy mô lớn. Đồng thời, xem xét, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp đối với một số dự án trên cơ sở khách quan, hợp tình, hợp lý, không để vướng mắc kéo dài, làm mất mất cơ hội đầu tư…

Trong khuôn khổ của cuộc Tọa đàm, hai bên chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận quan trọng. Cụ thể là: Thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Đường sắt Vientiane - Vũng Áng giữa Tập đoàn FLC và Công ty Petroleum Trading Lao Public; Thỏa thuận về việc hợp tác đầu tư phát triển Dự án năng lượng dọc biên giới Việt - Lào để sản xuất điện và truyền tải bán điện về Việt Nam giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Phongsubthavy.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng. Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào.

Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Chuyên đề