Thúc đẩy Cơ chế một cửa, thêm cơ hội cho doanh nghiệp

(BĐT) - Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa thông thoáng giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) vươn mình mạnh mẽ ra thị trường quốc tế. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ tồn tại, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu. Ảnh: Minh Phượng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ tồn tại, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu. Ảnh: Minh Phượng

Tuy nhiên, tiến độ kết nối các thủ tục vẫn còn chậm. Để thu hẹp khoảng cách so với mục tiêu đề ra, các bộ, ngành đăng ký sẽ kết nối thêm 143 thủ tục trong thời gian còn lại của năm 2018.

Tăng kết nối thủ tục, giảm thời gian thông quan

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN tổ chức sáng 24/7/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu của Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, mới đây, các bộ, ngành đã đăng ký từ nay đến hết năm 2018 sẽ kết nối thêm 143 thủ tục. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, hết năm nay, số lượng thủ tục thực hiện NSW sẽ nâng lên 196, chiếm 78% tổng số thủ tục phải thực hiện.

Đến ngày 15/7/2018, tổng số thủ tục kết nối NSW mới đạt 53 thủ tục, tương đương 21% tổng số thủ tục phải kết nối của các bộ, ngành (53/251 thủ tục).

Còn về cải thiện môi trường kinh doanh, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN, đặc biệt là giảm chi phí đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

“Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, chỉ số cải cách thủ tục hành chính là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải làm quyết liệt, làm liên tục để cải thiện hơn nữa chỉ tiêu này”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Xây dựng hành lang pháp lý

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN khiến cho DN “mừng rơi nước mắt”, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, so với mục tiêu thì NSW, ASW còn khoảng cách khá xa chưa được thu hẹp.

Hiện có thủ tục nhiều người dùng thì ít được bộ, ngành triển khai kết nối, có thủ tục ít người sử dụng thì sớm được kết nối. Do vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu kỹ thực tiễn, có lộ trình đưa thủ tục cần thiết vào kết nối cho phù hợp.

“Đối với cắt giảm mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành cũng cần có quy hoạch hiệu quả. Chúng ta đang quản lý theo nhóm mặt hàng, hiện chỉ cắt giảm ở nhóm có ít mặt hàng, còn những nhóm nhiều mặt hàng lại ít được cắt giảm”, TS. Cung chỉ rõ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm số lô hàng nhập khẩu (tính theo tờ khai hải quan) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn dưới 10%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Sau đây, chúng ta sẽ ban hành Nghị định, Chương trình hành động thúc đẩy NSW, ASW, coi đó là văn bản quy phạm pháp luật để các ngành thực hiện nghiêm túc, khắc phục yếu kém, bất cập đã nêu. Đề nghị các cơ quan chức năng phải mang một sứ mệnh đề xuất những cải cách chính sách đột phá sâu rộng, chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là tháo gỡ tồn tại, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước. Kiểm soát chống gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe người dân. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của DN”, Thủ tướng yêu cầu.

Chuyên đề