Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh và sạch cho Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Tọa đàm "Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam" tổ chức ngày 22/6, tại Hà Nội, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương phát biểu tại Tọa đàm
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương phát biểu tại Tọa đàm

Theo ông Dũng, những năm gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

“Hiện Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Dũng cho biết.

Thông tin đưa ra tại Tọa đàm cho thấy, điện than vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam với tỷ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện. Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm điện than xuống còn khoảng 9,5%, đồng thời phát triển điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045. Các nguồn điện carbon thấp cũng được khuyến khích phát triển để giảm phát thải carbon và hỗ trợ cho điện tái tạo.

Tọa đàm "Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam" thu hút hơn 120 đại diện đến từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Năng lượng T&T, và GE cùng nhiều doanh nghiệp khác trong ngành.

Chuyên đề