Thúc đẩy cải cách, giúp DN trụ lại thương trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - So với nhiều năm trước, 2 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường tăng cao, nhất là ở một số ngành nghề như: xây dựng, bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo… Một số chuyên gia nhìn nhận, ngoài khó khăn do thị trường, đây có thể là tồn tích bắt nguồn từ những khó khăn của môi trường kinh doanh trong thời gian dài chưa được giải quyết khiến DN quá sức chịu đựng.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, xây dựng và kinh doanh bất động sản là 2 ngành có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh rất cao với hơn 7.180 doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Trong 2 tháng đầu năm 2023, xây dựng và kinh doanh bất động sản là 2 ngành có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh rất cao với hơn 7.180 doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Mỗi tháng có 25.700 doanh nghiệp rời thị trường

Theo số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 51.401 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn với 38.772 DN, tăng gần 6.000 DN so với cùng kỳ năm 2022.

Phân theo 17 ngành nghề kinh doanh, 2 ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản có số DN tạm ngừng kinh doanh rất cao với hơn 7.180 DN. Cụ thể, ngành xây dựng có 5.525 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022 (4.527 DN). Tương tự, ngành kinh doanh bất động sản trong 2 tháng qua có 1.660 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái (1.057 DN).

Ngoài ra, số liệu cũng ghi nhận, số lượng DN ở 2 nhóm ngành trên đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và giải thể trong 2 tháng đầu năm nay cũng có xu hướng tăng. Đơn cử, có 461 DN kinh doanh bất động sản chờ làm thủ tục giải thể 2 tháng đầu năm 2023 (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022) và 235 DN giải thể (tăng 19,9%).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - một trong những “đầu kéo” tăng trưởng nhiều năm qua - cũng có số DN rút lui khỏi thị trường tăng cao so với 2 tháng đầu năm 2022 với 4.684 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tăng 25,3%); 365 DN giải thể (tăng 9%).

Một số ngành khác như vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy… có số DN rút lui khỏi thị trường tăng so với 2 tháng đầu năm 2022.

Củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc gia nhập hay rút lui khỏi thị trường là quyền của người kinh doanh, song số lượng DN rút lui khỏi thị trường 2 tháng đầu năm 2023 tăng cao cho thấy, DN đang rất khó khăn.

Bà Thảo cho rằng, ngoài nguyên nhân do diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu (lạm phát, giá đầu vào tăng cao…), còn có “vấn đề” về môi trường kinh doanh trong nước ảnh hưởng tới sức khỏe của DN.

“Trong bối cảnh DN đang khó khăn về thị trường, càng cần nhiều hơn những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ cho DN, nhưng thời gian qua, các hoạt động liên quan cải thiện môi trường kinh doanh chững lại, thậm chí gần không có”, bà Thảo đánh giá. Ngoài ra, nhiều DN phản ánh không tiếp cận được vốn, đây có thể là một nguyên nhân khiến các DN ngành xây dựng, bất động sản… rút lui khỏi thị trường.

Nhìn vào hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh ở các địa phương, bà Thảo nhận xét, dường như tinh thần cải cách đi ngược với những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành cùng DN, do một bộ phận cán bộ, công chức lo ngại hệ lụy từ các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, DN cũng cho biết, nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của DN không được giải quyết khiến DN nản lòng, nên dự báo về triển vọng phát triển kinh doanh cũng bị hạn chế…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư ở Sơn La cho biết, dự án BT được nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng những vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán không được tháo gỡ khiến DN vô cùng khó khăn.

Bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Đoan Việt chia sẻ, do giá bán lẻ xăng dầu chưa phản ánh đủ các chi phí phát sinh nên thời gian qua một số DN kinh doanh lĩnh vực này lỗ lớn, có hiện tượng DN đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh…

“Đây có thể là những tồn tích góp phần không nhỏ vào việc làm tăng cao số lượng DN rút lui khỏi thị trường 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ những năm gần đây (năm 2020 là 28.344 DN; năm 2021 là 33.611 DN; năm 2022 là 44.892 DN), buộc DN phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể”, bà Thảo nhìn nhận.

Với thực tế cải cách môi trường kinh doanh hiện nay, bà Thảo cho rằng, vấn đề quan trọng là cần thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn để củng cố niềm tin của cộng đồng DN. Khi DN đã khó khăn về thị trường mà môi trường kinh doanh không thuận lợi thì càng có nguy cơ đóng cửa nhanh hơn. Do đó, cùng với thông điệp củng cố niềm tin, cần phải có các hành động cụ thể, giải pháp cụ thể.

Gợi ý về giải pháp tháo gỡ, nhiều ý kiến đề xuất cần khơi thông nguồn vốn cho DN; tạo thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục hành chính; tạo cơ chế đảm bảo cho DN thực hiện đúng pháp luật; cơ chế đảm bảo cho cán bộ thực thi liêm chính và vì DN…

Chuyên đề