Thực cảnh tồn kho và nợ vay của DN bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng tồn kho lớn và nợ vay lớn vẫn là những vấn đề nổi cộm tại các doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Để giảm tình trạng này, doanh nghiệp mong đợi sức cầu thị trường cải thiện mạnh mẽ, hàng tồn kho phải bán được và thị trường vốn khởi sắc, tạo cơ hội cho doanh nghiệp gọi thêm dòng vốn mới, giảm áp lực nợ vay.
Tính đến cuối quý II/2023, 18 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có tổng giá trị hàng tồn kho ở mức 281.187 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến cuối quý II/2023, 18 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có tổng giá trị hàng tồn kho ở mức 281.187 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tồn kho giảm nhẹ

Thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2023 của 18 doanh nghiệp BĐS niêm yết cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho của nhóm này ở mức 281.187 tỷ đồng, giảm 0,9% so với thời điểm đầu năm nay. Dẫn đầu danh sách là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) với lượng hàng tồn kho lên tới 139.011 tỷ đồng, tăng 4.054 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm khoảng 53% tổng tài sản.

Trong đó, Novaland ghi nhận 127.798 tỷ đồng tồn kho là BĐS để bán đang xây dựng (chủ yếu bao gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và chi phí khác); 11.102 tỷ đồng là BĐS để bán đã xây dựng hoàn thành và 110,8 tỷ đồng là hàng hóa BĐS, hàng hóa khác.

Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách này là Công ty CP Vinhomes với giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý II/2023 đạt hơn 55.183 tỷ đồng, giảm 14,3% so với thời điểm đầu năm nay. Hàng tồn kho của Vinhomes chủ yếu là tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển dự án: Khu đô thị sinh thái Dream City, Khu đô thị Đại An, Grand Park, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và các dự án khác. Đây cũng là doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm nay.

Ngoài Vinhomes, các doanh nghiệp có hàng tồn kho giảm còn có Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (giảm 23%), Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (giảm 1,6%). Trong khi đó, Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CENLAND) ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng mạnh (31,8%).

CENLAND cho biết, trong quý II/2023, thị trường BĐS tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi xuất hiện từ năm 2022. Mặc dù BĐS và thị trường vốn quý II/2023 đã có sự cải thiện so với quý trước đó nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc, giao dịch vẫn chưa thực sự sôi động.

Nợ vay qua các con số

Một vấn đề đáng bàn khác của doanh nghiệp BĐS là nợ vay. Tổng giá trị nợ vay của 18 doanh nghiệp khảo sát tính đến cuối quý II/2023 tăng thêm 0,7% so với thời điểm đầu năm, lên mức 147.901 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín tăng 42,8% lên 2.725 tỷ đồng.

Nợ vay của Vinhomes tại 30/6/2023 ở mức 43.368 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tích cực trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 62.131 tỷ đồng và 27.607 tỷ đồng, tăng tương ứng 364% và 282% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nếu loại trừ đóng góp của những doanh nghiệp BĐS thuộc Tập đoàn Vingroup thì tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2023 ngành BĐS giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 21,6% so với quý trước đó.

Đánh giá về thị trường BĐS của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, quý II/2023, cầu mua nhà đã có tín hiệu khả quan hơn khi lượng giao dịch nhà ở đạt 3.704 giao dịch, bằng 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng hơn 30% so với quý trước đó. Theo VARS, lượng giao dịch phục hồi nhẹ sau các biện pháp hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ và động thái giảm lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng. Đối với BĐS du lịch nghỉ dưỡng, sức cầu thị trường tăng nhẹ nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ chỉ xấp xỉ 24% lượng cung mở bán.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường vẫn thấp, các doanh nghiệp BĐS xoay nhiều cách để giảm áp lực nợ vay. Tính đến cuối quý II/2023, tổng nợ vay của Novaland ở mức 61.445 tỷ đồng, giảm 5,28% so với thời điểm đầu năm; Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ở mức 3.888 tỷ đồng, giảm 12,4%; Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG Corp) ở mức 2.724 tỷ đồng, giảm 29%.

Chuyên đề