Thủ tướng: Thực thi hiệu quả Quy hoạch vùng ĐBSCL để mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đây là chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng 21/6 tại Cần Thơ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL. Theo đó, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Tuy vậy, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Vùng, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phần đóng góp của Vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương trong Vùng cần tích cực triển khai Quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong Quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

Trong phát triển hạ tầng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giai đoạn tới cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Để đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện. Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các mô hình: Lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư là một trong những chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị. Theo đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Các địa phương cần tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, DTI…); tăng cường thu hút các dự án đầu tư từ trong và ngoài nước, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Vùng.

Ngoài ra, cần có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, nhất là chống sạt, lún, xâm nhập mặn, triều cường; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản. Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển ĐBSCL theo thẩm quyền, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng thảo luận, bàn bạc, tập trung giải quyết.

Thủ tướng đề nghị các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực hỗ trợ vào cả từ quá trình xây dựng quy hoạch đến tài trợ các chương trình, dự án ODA, vay vốn ưu đãi nước ngoài nhằm triển khai thực hiện quy hoạch vùng, địa phương...

Chuyên đề