Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, làm việc tại Nhật Bản |
Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng năm nay. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai tham dự theo lời mời của Nhật Bản.
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ dự Hội nghị G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản vào ngày 19 - 21/5. Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào ngày 19 - 22/5, trong khi Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ bắt đầu vào ngày 20 - 21/5.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng gồm 3 phiên, với các chủ đề "Hợp tác xử lý đa khủng hoảng" (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).
Hội nghị dự kiến thông qua "Chương trình hành động Hiroshima về An ninh lương thực toàn cầu tự cường", sẽ là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.
Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
2023 là năm Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước thời gian qua đã phát triển toàn diện.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, tăng so với mức 42,7 tỷ USD năm 2021.
Tính đến tháng 3/2023, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trên 143 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ Yên (27,5 tỷ USD).
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến tháng 6/2022, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có hơn 476.000 người. Trong khi đó, hiện có khoảng 23.000 công dân Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam.