Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: VGP |
Tại cuộc hội đàm, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển nhanh chóng và tốt đẹp; các thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có các kết quả đạt được trong chuyến thăm Singapore tháng 2/2023 đã được tích cực triển khai. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, Singapore trở thành nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký mới hơn 3 tỷ USD. Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ Việt Nam - Singapore đã đạt tầm vóc mới, chín muồi trên mọi phương diện; trên cơ sở đó, nhất trí xem xét, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.
Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nghị viện; đặc biệt nhất trí sẽ tổ chức cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng hai nước để trao đổi về hợp tác song phương và các vấn đề cùng quan tâm; triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các cơ chế hợp tác giữa hai nước; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong năm 2023, trong đó có sự kiện “Tiêu điểm Singapore tại Việt Nam” vào tháng 10/2023.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số (thiết lập tháng 2/2023), tạo tiền đề đưa hợp tác Việt Nam - Singapore trở thành hình mẫu tương lai trong ASEAN; đánh giá cao việc hai bên đã kịp thời hoàn tất việc nâng cấp Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore, góp phần mở rộng, làm sâu sắc kết nối kinh tế sang các lĩnh vực mới như năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng công bằng, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại hội đàm. Ảnh: VOV |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, Singapore tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam; phát triển và chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp thông minh, xanh, phát thải các-bon thấp, tiến tới phát triển hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt và thuộc nhóm ưu tiên của Việt Nam (như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, vật liệu mới); hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất như dệt may, chế biến đồ gỗ, đóng tàu, phát triển hạ tầng công nghiệp, hóa chất, hóa dầu, khí tự nhiên hóa lỏng…
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thông qua việc thúc đẩy ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác liên quan; phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại; tăng cường hợp tác giữa các quân binh chủng; công nghiệp quốc phòng, cứu hộ - cứu nạn, quân y; phối hợp trong các cơ chế và hoạt động đa phương...; đẩy mạnh các sáng kiến về kết nối hàng hải, bảo vệ môi trường và sinh thái biển thông qua áp dụng các công nghệ mới.
Thủ tướng Lý Hiển Long và đoàn đại biểu cấp cao của Singapore. Ảnh: VOV |
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh hai nước tiến hành trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số và hợp tác xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Liên quan đến nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Singapore giúp Việt Nam xây dựng và vận hành Trung tâm cơ sở dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao; sớm thúc đẩy kết nối hệ thống của Việt Nam với hệ thống định danh và xác thực điện tử tại Singapore nhằm quản lý công dân giữa hai nước trong quá trình đi lại, sinh sống và làm việc.
Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực then chốt khác; theo đó đánh giá cao các văn kiện quan trọng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được ký kết nhân dịp chuyến thăm lần này; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; triển khai các chương trình kích cầu du lịch, mở thêm các đường bay mới; mở rộng kết nối điểm đến tàu biển, tàu du lịch giữa hai nước.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác kinh tế xanh - kinh tế số. Ảnh: VOV |
Trao đổi về hợp tác đa phương và khu vực, hai bên đánh giá cao việc hai nước thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong bầu cử, ứng cử vào các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc; nhất trí phối hợp với các nước ASEAN khác bảo đảm đoàn kết, thống nhất và cùng các nước ASEAN khác duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, an toàn hàng hải, hàng không; bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tạo môi trường thuận lợi, phấn đấu xây dựng Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.