Thủ tướng: Công nghệ Trung Quốc tốt, sạch thì Việt Nam chào đón

Trước các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch; coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam.

Thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi chủ trì Hội nghị bàn tròn đối thoại với giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc chiều 11/9, tại tỉnh Quảng Tây của nước này.

Cho rằng việc xuất nhập khẩu là theo nhu cầu của các doanh nghiệp mỗi nước, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh định hướng của nền kinh tế là cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, bảo đảm phát triển bền vững. “Trước đây nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc lớn thì xu hướng sẽ giảm xuống và thực tế đã giảm rõ rệt trong năm nay là xu hướng đáng mừng”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam thu hút đầu tư nhưng chỉ đón nhận công nghệ thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo; tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cấp chính quyền ở Việt Nam đều trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài phản ánh khó khăn như thế nào để cùng tháo gỡ.

“Bây giờ nhiều giấy phép ở Việt Nam chỉ cấp một ngày là xong, chậm nhất không đến 5 ngày. Ngày trước là tiền kiểm, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp thì nay hậu kiểm là chính”, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định chủ trương coi thắng lợi, thành công của các nhà đầu tư là thành công của các cấp chính quyền. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư bảo vệ môi trường cho tốt, không đầu tư bằng bất cứ giá nào, sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, không ảnh hưởng đến đời sống người dân”, Thủ tướng tiếp lời và cho biết “Chính phủ, các cấp chính quyền, nhân dân Việt Nam vui mừng đón nhận những xí nghiệp, công ty làm ăn tốt, công nghệ thiết bị bảo vệ môi trường tốt vào Việt Nam”.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các CEO doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý một số công trình, dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam còn chậm tiến độ. Ông cho biết sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, điện, năng lượng tái tạo... đặc biệt là đối với mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc nêu lên nhiều vấn đề còn băn khoăn trong các lĩnh vực như ngân hàng, dệt may, năng lượng… Đơn cử trong lĩnh vực năng lượng, đại diện Công ty lưới điện Phương Nam Trung Quốc, doanh nghiệp đã đầu tư triển khai dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân đặt câu hỏi về những chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này.

Đáp lại, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết nhu cầu về năng lượng của Việt Nam tăng trưởng 10-12% một năm. Do đó, nguồn điện cần được ưu tiên phát triển, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo.

“Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 20%, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam như điện gió, mặt trời có dư địa rất lớn. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Chuyên đề