Cần cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Đấu giá hay đấu thầu chọn nhà đầu tư?
Kết quả rà soát các văn bản pháp luật hiện hành của Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho biết, hiện đang có vướng mắc phát sinh liên quan tới lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể là thiếu cơ sở pháp lý để quyết định áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư dự án. Điển hình như, tại Điều 118 và Điều 119 của Luật Đất đai 2013 chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất; Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư chỉ quy định các trường hợp dự án sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Luật Đầu tư 2014 chỉ quy định các trường hợp thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư là các dự án giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu nhưng lại không liệt kê cụ thể các dự án nào thuộc diện này.
Kết quả rà soát của Tổ công tác cũng chỉ ra vướng mắc phát sinh liên quan tới pháp luật về đất đai. Cụ thể, Luật Đầu tư 2014 quy định các dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư gồm: dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề, với quy định này, nếu dự án nhà đầu tư thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu đô thị… đã có quy hoạch được phê duyệt thì có phải thực hiện chủ trương đầu tư không? “Phải chăng có sự không rõ ràng về mục tiêu quản lý việc sử dụng đất hay quản lý dự án đầu tư”, ông Cung băn khoăn.
Lúng túng trong thực hiện
Kết quả rà soát cũng cho thấy một vấn đề khá nổi cộm hiện nay là thủ tục cấp Giấy phép quy hoạch xây dựng và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vẫn chưa có tính đồng bộ, liên thông. Theo đó, dự án sau khi được UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ phải xem xét cả về vấn đề quy hoạch. Cụ thể, Điều 9 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng yêu cầu, đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy phép quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 47 của Luật Xây dựng năm 2014.
Với quy định này, Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng, nếu thực hiện thủ tục cấp Giấy phép quy hoạch xây dựng trước, trong trường hợp dự án không đủ điều kiện khác để chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ gây lãng phí cho nhà đầu tư. Còn trường hợp dự án khi được UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đã được xem xét về quy hoạch, sau đó vẫn phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép quy hoạch xây dựng tức là đã xem xét 2 lần. “Các quy định này chưa thống nhất, chưa đồng bộ đang khiến nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý lúng túng trong việc thực hiện”, Báo cáo của Tổ công tác đánh giá.
Kết quả rà soát của Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng cho thấy, do chưa có cơ chế liên thông trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh dẫn đến những “khoảng trống” trong giải quyết các vướng mắc phát sinh khi thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký doanh nghiệp. Đây cũng chính là nguyên nhân kéo dài thêm thời gian, phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.