Thứ trưởng Bộ KH&ĐT gợi mở 5 vấn đề chuyển dịch năng lượng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội thảo Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh diễn ra ngày 17/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc gợi mở 5 vấn đề liên quan để Việt Nam xây dựng một lộ trình hiệu quả cho chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Việt Anh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Việt Anh

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững được xem là yếu tố then chốt để giảm phát thải khí nhà kính, đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu và là một trong 10 định hướng quan trọng của Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia.

Thứ trưởng cho biết, vấn đề chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững cũng được đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị COP 26 với việc lần đầu tiên gần 50 quốc gia trong đó có Việt Nam đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

“Có thể nói, đây là một mục tiêu khá tham vọng, đòi hỏi quyết tâm lớn ở phạm vi toàn cầu và của các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các tác động nặng nề do dịch COVID-19; tình hình kinh tế-chính trị của thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp; nguồn lực cam kết cho khí hậu vẫn còn hạn chế; một số quốc gia hiện tuyên bố quay lại sử dụng điện than do xung đột gia tăng giữa Nga và Ukraine”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đánh giá.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, những thách thức, khó khăn và các vấn đề phát sinh hiện nay chỉ có tính tạm thời. Trong dài hạn, để hướng tới một hành tinh bền vững cho thế hệ mai sau, con đường duy nhất mà chúng ta phải thực hiện đó là tiếp tục theo đuổi mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững nghĩa là vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội nhưng đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu sang năng lượng sạch, thân thiện với môi trường được xem là yếu tố then chốt.

“Điều này cũng được khẳng định tại Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26. Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng lượng phát điện”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong triển khai Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quốc gia cũng như Chiến lược quốc gia về TTX, các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ KH&ĐT gợi mở một số vấn đề liên quan đóng góp cho việc xây dựng một lộ trình hiệu quả cho chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững tại Việt Nam.

“Trước hết, cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra, đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch trên các ngành, lĩnh vực”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc gợi ý.

Hai là quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Ba là, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân.

“Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân cũng như việc đầu tư hạ tầng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu năng lượng, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh và hiệu quả trong dài hạn, cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân và các tổ chức có liên quan về vai trò và tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bốn là, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển.

Cuối cùng, trong quá trình triển khai chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần thực thi có hiệu quả công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát và các chế tài liên quan để hạn chế, cắt giảm đầu tư và có lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều các bon.

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn các chủ thể có liên quan về các nhiệm vụ, hành động để thực hiện thành công “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Sự kiện là hoạt động khởi đầu cho hàng loạt các sự kiện tiếp theo về chủ đề chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam nhằm mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Chuyên đề