Các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có cơ hội lớn tham gia thị trường tiềm năng với chi phí thấp, thủ tục ưu đãi vượt trội. Ảnh: Lê Tiên |
Đối với nông nghiệp, nông thôn, các nghị định mới về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 57/2018/NĐ-CP), bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định 58/2018/NĐ-CP)... càng khẳng định quyết tâm này.
Tháo gỡ nhiều nút thắt
Giai đoạn vừa qua, các chính sách phát triển nông nghiệp được ban hành khá nhiều nhưng chưa đồng bộ và hiệu quả thấp. Số lượng và quy mô DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, hiện chỉ có khoảng 1% tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Phần lớn trong số đó là DN nhỏ và vừa.
Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được đặt nền móng từ Nghị định số 61 năm 2010, sau đó thay thế bằng Nghị định số 210 năm 2013. Tuy nhiên, tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy nhiều bất cập như thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ của DN còn phức tạp (16 bước với khoảng 40 văn bản có liên quan, tùy theo từng địa phương và loại dự án); tiếp cận đất đai khó khăn, quy hoạch sử dụng đất thường xuyên thay đổi; các điều kiện hỗ trợ còn khó đáp ứng. Đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, phần lớn các địa phương trông chờ hỗ trợ từ Trung ương, trong khi nguồn ngân sách trung ương cũng rất hạn chế.
Từ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị định 210, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ KH&ĐT (cơ quan soạn thảo): "Tập trung vào cơ chế chính sách, hỗ trợ gián tiếp là chủ yếu (môi trường đầu tư, thủ tục hành chính), trong đó ưu tiên tạo thuận lợi nhất để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như khuyến khích bằng cả cơ chế ưu đãi (đất đai, miễn giảm thuế, phí) và hỗ trợ bằng tiền phù hợp với nguyên tắc thị trường và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước".
Do đó, so với Nghị định 210, Nghị định 57 đã giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với DN nhưng phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước và cơ chế thị trường, chỉ hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư nhằm tạo trách nhiệm đầu tư hiệu quả đồng vốn, ngăn ngừa trục lợi chính sách. Các hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế và một số khâu quan trọng có tác dụng dẫn dắt trong chuỗi giá trị nông sản.
Về cơ chế hỗ trợ gián tiếp, Nghị định 57 đã bổ sung các hỗ trợ theo thẩm quyền của Chính phủ được giao tại các luật chuyên ngành: Mức miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm một số thủ tục theo pháp luật về xây dựng; cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ...
Đối với việc hạn chế "gánh nặng" kiểm tra, thanh tra, Khoản 3 Điều 16 Nghị định 57 quy định: "Khi chưa hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan nhà nước tại địa phương không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi có quy định của luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng". Đây là nội dung quy định để thể chế hóa chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN tại Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016.
Giảm bớt rủi ro trong đầu tư
Chính sách thí điểm về bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai từ năm 2011 (Quyết định số 315/QĐ-TTg). Tuy nhiên, do đây là loại hình bảo hiểm mới, phức tạp, lần đầu thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm; các loại hình thiên tai, dịch bệnh đa dạng; số lượng hộ dân tham gia bảo hiểm chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 76,8%), nguồn kinh phí tham gia cơ bản cân đối từ ngân sách nên không còn bảo đảm quy luật thị trường dẫn đến hiệu quả của chính sách thấp.
Nghị định 58 đã kế thừa bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện chính sách thí điểm tại Quyết định 315/QĐ-TTg. Các quy định đã tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm nông nghiệp; giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước do các rủi ro đã được chuyển giao từ người sản xuất sang khu vực tư nhân, thậm chí các rủi ro này cũng sẽ được san sẻ ra thị trường quốc tế thông qua các công ty tái bảo hiểm quốc tế.
Ngoài ra, các quy định tại Nghị định 58 được kỳ vọng thúc đẩy người nông dân đáp ứng đầy đủ quy trình sản xuất đã ký kết với DN, góp phần nâng cao chất lượng nông sản.
Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng đã được ban hành (Nghị định 98/2018/NĐ-CP) để tạo hành lang pháp lý giải quyết những tồn tại trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phá vỡ hợp đồng giữa người nông dân và DN giai đoạn vừa qua khá thường xuyên do liên kết lỏng lẻo, phân chia lợi ích chưa phù hợp và thiếu chế tài hiệu quả.
Cơ hội rộng mở
Với sự ra đời của chính sách mới và quyết tâm của hệ thống chính trị, các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có cơ hội lớn tham gia thị trường tiềm năng với chi phí thấp, thủ tục ưu đãi vượt trội so với lĩnh vực khác.
Các hỗ trợ trực tiếp quy định tại Nghị định 57 đã đơn giản hơn, quy mô nhỏ hơn và mức hỗ trợ thấp hơn để tăng khả năng tiếp cận của DN. Các điều kiện đầu vào phức tạp và khó đo lường (tỷ lệ nguyên liệu, lao động địa phương) đã được bãi bỏ. Các khoản hỗ trợ, ưu đãi cũng được tăng cường để giải quyết một trong những trở ngại lớn nhất của nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là đất đai.
Một số khoản hỗ trợ mới được bổ sung là hỗ trợ đối với các DN thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như xử lý chất thải làng nghề, nông thôn; xã hội hóa dự án xây dựng bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước, công trình thủy lợi; xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động; cấp nước sạch nông thôn. Đây là các loại hình dự án vẫn đang phải đầu tư 100% từ ngân sách nhà nước. Nếu huy động được DN tham gia sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao được chất lượng dịch vụ, cũng như tăng khả năng tiếp cận hạ tầng thiết yếu cho người dân ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, các nội dung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ DN nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ thương mại điện tử trong giao dịch nông sản cũng đã được bổ sung.
Còn đó những thách thức
Khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp - lĩnh vực nhiều rủi ro, vẫn còn một số thách thức có thể làm “chùn bước” DN, đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục có những điều chỉnh, quyết tâm tháo gỡ mạnh mẽ để tạo ra môi trường thực sự thông thoáng và đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Đầu tiên phải kể đến tín dụng - một trong những kênh vốn chủ yếu của DN - vẫn chưa được khai thông triệt để. Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chính phủ đã phải liên tục ban hành bổ sung các chính sách tín dụng khác như cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tái canh cà phê, tín dụng phát triển thủy sản với điều kiện vay đơn giản hơn hoặc lãi suất thấp hơn so với quy định thông thường của ngân hàng thương mại. Để tiếp tục khơi thông kênh vốn quan trọng này, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 55 một cách toàn diện như đã thực hiện với Nghị định 210.
Đặc biệt, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn được đánh giá là phức tạp, trì trệ, rất cần rà soát, cắt giảm một cách thực chất, quyết liệt để tạo thuận lợi hơn cho DN.
Và sau tất cả những cơ chế, chính sách được ban hành, khâu thực thi vẫn là yếu tố quan trọng. Những cơ chế ưu đãi trong Nghị định 57 đã được quy định ở mức tối đa trong thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, nghị định này chỉ là cơ chế khung, hiệu lực, hiệu quả của chính sách còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của các cấp, nguồn lực cân đối để thực hiện chính sách, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 - 2020 đã được phân bổ hết.