Ước tính năm 2018, thu hút vốn FDI vào Khu công nghệ cao TP.HCM đạt 600 triệu USD. Ảnh: Nhã Chi |
Thu hút đầu tư khởi sắc
Theo Ban Quản lý KCNC TP.HCM, lũy kế từ khi thành lập đến tháng 6/2018, KCNC TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 146 dự án còn hiệu lực. Trong đó, vốn trong nước là 38.290,83 tỷ đồng với 93 dự án; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hơn 5,426 tỷ USD với 53 dự án. Ước tính năm 2018, thu hút vốn FDI đạt 600 triệu USD, nâng tổng vốn FDI thu hút trong giai đoạn 2016 - 2018 đạt 1.667,85 triệu USD.
Điều đáng lạc quan là cả 4 lĩnh vực KCNC TP.HCM tập trung ưu tiên thu hút đầu tư lâu nay đều đạt kỳ vọng, tương đương 68,46%. Cụ thể, lĩnh vực vi điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông chiếm 32,87%; cơ khí chính xác - tự động hóa chiếm 19,17%; công nghệ sinh học chiếm 12,32%; vật liệu mới - năng lượng mới chiếm 4,10%. Còn lại 31,54% thuộc về các lĩnh vực dịch vụ, nghiên cứu, phát triển hạ tầng và đào tạo.
Ngoài ra, các dự án công nghiệp hỗ trợ có chiều hướng gia tăng, chiếm 18,49%, nhờ vào tác động lan tỏa của việc thu hút đầu tư thành công của Tập đoàn Samsung. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến việc tham gia chuỗi cung ứng cho tập đoàn này. Hiện trong nước có Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã tiên phong đầu tư vào KCNC TP.HCM cùng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban Quản lý KCNC TP.HCM cho biết, nếu thống kê đầu tư theo quốc gia, vùng lãnh thổ thì số lượng các dự án trong nước chiếm 63,69%. Tuy nhiên, do trình độ, mặt bằng khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp, đồng thời nguồn vốn huy động trong nước thấp hơn so với vốn FDI nên cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để tận dụng nguồn vốn và công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2016 - 2018 do Ban Quản lý KCNC TP.HCM đưa ra hồi giữa tháng 7/2018 đã chỉ ra rằng: Đa phần các dự án chậm triển khai đều do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư trong nước thường không chuyên nghiệp, năng lực tài chính yếu, chậm triển khai nên rất khó thúc đẩy tiến độ dự án.
Để khắc phục những hạn chế trên, Ban Quản lý KCNC TP.HCM đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm từ đây đến năm 2020. Trước mắt, sẽ hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng toàn bộ 913 ha của KCNC TP.HCM, chú trọng phát triển Khu Không gian khoa học, xây dựng cơ sở vật chất 3 phòng thí nghiệm trọng điểm, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM đi vào hoạt động.
Đặc biệt, KCNC TP.HCM tập trung kêu gọi các dự án nghiên cứu - đào tạo - ươm tạo, cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại KCNC. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất trong năm đạt trên 20 tỷ USD, chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghệ cao đạt 35% vào năm 2020, hỗ trợ ít nhất 2 doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ để tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung.