Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cho thấy, tình hình thu hút vốn ĐTNN tiếp tục xu hướng tích cực, cả số vốn đăng ký và số vốn thực hiện của tháng 8 đều duy trì đà tăng so với tháng 7 và cùng kỳ năm trước. Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế và có nhiều cơ hội để đón dòng vốn mới, nếu tiếp tục có những cải thiện để tăng sức hút.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư

Ngày đầu tiên của tháng 8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Greenwich Management Limited (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology - Trung Quốc) để triển khai xây dựng Nhà máy Innovation Precision tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD. Đây là nhà máy chuyên sản xuất hợp kim nhôm cho ngành sản xuất điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh…

Trong những ngày cuối tháng 6/2023, Foxconn đầu tư thêm 2 nhà máy tại Quảng Ninh với tổng vốn 250 triệu USD; Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD... Những khoản đầu tư lớn này góp phần quan trọng vào kết quả thu hút ĐTNN 8 tháng đầu năm 2023.

Theo Cục ĐTNN, tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 18,15 tỷ USD, tiếp tục duy trì đà tăng (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022) và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm phần trăm). Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện theo từng tháng. Số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ năm trước, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Xu hướng tích cực khác là vốn thực hiện của dự án ĐTNN trong 8 tháng qua tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 0,5 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm, ước đạt khoảng 13,1 tỷ USD. Cục ĐTNN nhận định, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai giải ngân vốn đầu tư.

Tại một diễn đàn được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với rất nhiều lợi thế. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút ĐTNN phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với mục tiêu cụ thể. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút các dự án ĐTNN sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục ĐTNN cho biết thêm, xu hướng dòng vốn thời gian qua đã có sự dịch chuyển tương đối với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Thời gian qua, Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ với 32 thành viên là những tập đoàn lớn đã tới Việt Nam khảo sát và thông báo sẽ lựa chọn Việt Nam là một địa điểm để dịch chuyển các dự án bán dẫn của họ.

Ông Nguyễn Văn Sử chia sẻ, kể từ khi Thủ tướng có cam kết mạnh mẽ tại COP26 về thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đã tới Việt Nam tìm cơ hội và mong muốn hợp tác đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Song song đó, các doanh nghiệp chế biến chế tạo cũng quan tâm đầu tư để tận dụng lợi thế khi Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo.

Tiếp tục cải thiện để tăng sức hút dòng vốn mới

Điểm lại nhiều lợi thế của Việt Nam, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, Việt Nam ngày nay thực sự trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn. “Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như thế này, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn”, ông Bruno Jaspaert nhận định và kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Để giữ được động lực thu hút dòng vốn ĐTNN, đặc biệt vào các lĩnh vực mới, ông Bruno Jaspaert cho rằng, ngay từ hôm nay cần có lời giải cho 2 vấn đề lớn trong tương lai gồm lao động và năng lượng. Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số. Dân số dưới độ tuổi lao động đang ít dần. Trong tương lai, Việt Nam sẽ có ít lao động hơn và mất dần lợi thế lao động giá rẻ. Do vậy, Việt Nam cần cân nhắc những nhà đầu tư đến chỉ vì chi phí lao động rẻ. Về năng lượng, dự đoán trong vòng 5 năm tới có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi có quá nhiều nhà đầu tư, vì vậy, Việt Nam cần đảm bảo cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay.

Ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính Công ty BW Industrial chia sẻ, trong xu hướng Trung Quốc + 1, Ấn Độ đang thu hút nhiều nhà đầu tư nhất, tiếp theo là Indonesia, Thái Lan. Để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, có 3 yếu tố Việt Nam cần tiếp tục cải thiện. Thứ nhất là liên quan đến hạ tầng, Việt Nam cần có thêm các tuyến đường cao tốc, nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự đảm bảo, cam kết về thời gian hoàn thành đúng hạn. Khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt. Thứ hai, với những nhà đầu tư lớn, cần có sự đảm bảo về việc cung cấp điện ổn định, nhà đầu tư sẽ không chấp nhận việc được thông báo cắt điện trước 3 ngày và nhà máy của họ bị cắt điện 24 giờ. Thứ ba, để thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao thì giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được chú trọng.

Chuyên đề