Thu hút đầu tư nước ngoài hướng tới kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 7 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, tăng so với cùng kỳ năm 2023 cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư toàn cầu, với triển vọng năm 2024 có thể vượt kết quả năm 2023.
7 tháng năm 2024, đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới tăng cả về vốn đăng ký, số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
7 tháng năm 2024, đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới tăng cả về vốn đăng ký, số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu Cục Thống kê Bắc Ninh, 7 tháng đầu năm, Tỉnh thu hút thêm 279 dự án ĐTNN đăng ký mới với số vốn 1,467 tỷ USD. Cục Thống kê Bắc Ninh nhận định những con số này là “tăng đột biến”, “tăng rất nhiều” so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, về số dự án tăng 97 dự án, tương đương tăng 53,3% và số vốn tăng 689,2 triệu USD, tương đương tăng 89,6%. Ngoài ra, Bắc Ninh điều chỉnh vốn 109 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng 1,584 tỷ USD (dự án của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam tăng 1,07 tỷ USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 28 lượt trị giá gần 41 triệu USD.

Bắc Ninh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ĐTNN trong 7 tháng. Ngày 23/7, tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp thu hút, xúc tiến đầu tư với mục tiêu cuối năm thu hút được khoảng 7 tỷ USD vốn ĐTNN, cao hơn rất nhiều so với năm 2023 (1,8 tỷ USD).

Quảng Ninh là địa phương đang đứng thứ 2 về thu hút vốn ĐTNN trong 7 tháng với 1,56 tỷ USD vốn đăng ký, cao gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả thu hút ĐTNN sau tháng 7 là 1,56 tỷ USD, mục tiêu 3 tỷ USD trong năm 2024 được cho là trong tầm tay của Quảng Ninh khi đang có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm và có kế hoạch đầu tư tại tỉnh này.

TP.HCM, Hà Nội trong 7 tháng thu hút mỗi địa phương lần lượt 1,55 tỷ USD và 1,3 tỷ USD vốn ĐTNN, đứng thứ 3 và thứ 5 cả nước. Năm 2023, 2 thành phố thu hút được khoảng 8,8 tỷ USD và năm nay con số có thể cao hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2024 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.816 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đăng ký 10,76 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký. Có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 1.795 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn 2,27 tỷ USD, giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn ĐTNN thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho biết, đây là số vốn thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị giá tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn. Ảnh: Tiên Giang

Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị giá tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn. Ảnh: Tiên Giang

Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 7 tháng năm 2024, ĐTNN đăng ký cấp mới tăng cả về vốn đăng ký, số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư (bình quân hơn 5,9 triệu USD/dự án, so với mức 4,9 triệu USD/dự án trong 7 tháng năm 2023). Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị giá tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 7 tháng.

Tại cuộc họp báo diễn ra đầu tháng 7/2024, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, điều tra của Bộ KH&ĐT cho thấy, niềm tin của nhà ĐTNN với nền kinh tế Việt Nam vẫn đang rất tích cực và có thể kỳ vọng thu hút vốn ĐTNN cả năm 2024 đạt khoảng 39 - 40 tỷ USD. Năm 2023, tổng vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà ĐTNN nhận định, kết quả thu hút ĐTNN năm nay có thể vượt năm 2023 cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện. Vĩ mô ổn định, triển vọng tăng trưởng kinh tế cao cùng với những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ giúp nhà ĐTNN rót vốn thực vào Việt Nam, thể hiện qua vốn thực hiện và đây là con số quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, kết quả thu hút ĐTNN của Việt Nam đạt được đến nay càng đáng khích lệ, là điểm sáng khi đặt trong bức tranh chung của tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động bất lợi. Trong bối cảnh dòng vốn ĐTNN toàn cầu suy giảm, Việt Nam vẫn thu hút tốt, tạo ra điểm nhấn và lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, cần lưu ý về thu hút vốn đầu tư từ khu vực Liên minh châu Âu (EU), Mỹ chưa có chuyển biến lớn, dù trước đó các nhà đầu tư lớn từ EU, Mỹ đã rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đồng thời, cần tiếp tục chú trọng nâng chất lượng dòng vốn, tăng kết nối giữa khu vực ĐTNN và doanh nghiệp trong nước…

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng thu hút ĐTNN và nhận định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà ĐTNN. Trong báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng HSBC nhận định, triển vọng ĐTNN dài hạn vẫn là một “điểm sáng” của Việt Nam. HSBC ghi nhận diễn biến quan trọng là việc Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu trong năm nay.

Chuyên đề