Thông xe toàn tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình vào cuối năm 2016

Ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) - đơn vị quản lý và điều hành dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình cho biết, Ban đã yêu cầu nhà đầu tư và các đơn vị thông huy động máy móc, nhân công đẩy nhanh tiến độ nhằm thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2016
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ được thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2016. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ được thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2016. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 2, dự án xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình gồm 12 gói thầu xây lắp chính, trong đó tiến độ dự án đang bị chậm bởi hai địa phương nơi có tuyến đường đi qua vẫn chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng. 

Cụ thể, thành phố Hà Nội chưa bàn giao được một mét mặt bằng nào (6,3/6,3km) khiến các nhà thầu thi công “án binh bất động.” Dự kiến, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Ba Vì sẽ tiến hành tạm bàn giao mặt bằng để thi công cầu Thạch Bình. 

Tỉnh Hòa Bình đã bàn giao 18/19,3km (93,3%) tính cả 2,1km đi trùng Quốc lộ 6 đã được thi công hoàn thành trước 30/4/2015. Dự kiến, trong tháng Sáu tới đây, địa phương sẽ xây dựng xong khu tái định cư và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án. 

“Các nhà thầu đang thi công 10 gói thầu xây lắp trên địa phận tỉnh Hòa Bình, khối lượng thi công đạt hơn 50%,” ông Khoa cho hay. 

Trực tiếp thị sát tuyến đường, trừ đoạn chính tuyến đèo Bụt thuộc gói thầu 10Xl, 11XL và một số vị trí mới nhận bàn giao mặt bằng đang thi công đào đắp, các đoạn còn lại đã cơ bản thi công xong nền đường, đang thi công lớp cấp phối đá dăm. Nhà thầu đã tiến hành thi công thảm thử lớp bê tông nhựa vào ngày 20/5 vừa qua. 

Đối với hợp phần cầu, các cầu trên địa phận huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cơ bản thi công xong kết cấu thượng bộ, trừ cầu đèo Bụt 1 đang thi công bê tông mố, trụ và khoan cọc nhồi trụ T3 do Công Ty Cổ Phần Cầu 11 Thăng Long thi công.

Công nhân đang tiến hành thi công cầu đèo Bụt 1 của dự án đường Hòa Lạc-Hòa Bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các đơn vị thi công cũng huy động máy xúc, "cẩu xẻ đất” trên những quả đồi hay nổ mìn phá núi chạy trùng với thiết kế tuyến đường sau đó dùng ôtô chở đất, đá nhằm tận dụng làm nền đường và chủ đầu tư cũng phân bổ đất cho từng gói thầu một cách hợp lý bởi vẫn còn một số đoạn chưa thi công do mặt bằng “xôi đỗ.” 

Nhằm thúc tiến độ dự án, Ban quản lý dự án 2 đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, xử lý dứt điểm các điểm còn vướng mặt bằng; xem xét việc ban hành cơ chế đặc thù để rút ngắn trình tự, thủ tục (thời gian thẩm định, phê duyệt...) đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. 

Với nhà đầu tư, Ban quản lý dự án 2 yêu cầu tăng cường nhân sự điều hành, lập kế hoạch thi công chi tiết, tập trung nguồn lực, huy động bổ sung các mối thi công (cầu, công trình thoát nước, nền móng đường...) triển khai thi công các hạng mục công việc còn lại; cương quyết thay thế các nhà thầu năng lực yếu kém không đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án. 

“Nhà đầu tư cử cán bộ bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bố trí đủ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng để chuyển cho địa phương chi trả, đảm bảo tiến độ yêu cầu, thực hiện giải ngân kịp thời cho Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế, nhà thầu để các đơn vị có kinh phí thực hiện dự án đáp ứng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình,” ông Khoa cho hay. 

Ngoài ra, vị Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu thi công phải tăng cường thêm máy móc, thiết bị và nhân lực đẩy nhanh công tác thi công, đưa vào khai thác toàn tuyến trước 31/12/2016. Riêng đoạn qua địa phận Hòa Bình dài hơn 25km các đơn vị phải hoàn thành trước 30/8/2016. 

“Đối với đoạn tuyến đi qua Hà Nội, trong thời gian chờ thi công để thông xe toàn tuyến thì Ban quản lý dự án 2 đã yêu cầu nhà đầu tư thảm lại 1,5km trên đường Tỉnh lộ 446 để phương tiện đi từ điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17+85-Quốc lộ 21) kết nối với đoạn qua Hòa Bình hoàn thành và khai thác trước vào ngày 30/8,” ông Khoa nhấn mạnh./.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17+85-Quốc lộ 21), điểm cuối tại km32 +367, tương ứng với km67+510-lý trình Quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. 

Theo thiết kế, tuyến có chiều dài khoảng 31km, đoạn 6,7km đầu đi trùng với đường Hòa Lạc-Làng Văn hóa (hiện là đường cấp 3 đồng bằng) tận dụng hoàn toàn; đoạn tiếp theo xây dựng mới qua các huyện Thạch Thất (Hà Nội) và Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình có chiều dài khoảng 25,6km. Đoạn tuyến này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m. 

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình được khởi công vào tháng 5/2014, hoàn thành vào 31/8/2016 (28 tháng). Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.180 tỷ đồng, xây dựng một trạm thu phí dự kiến đặt tại km17+100 với thời gian thu phí hoàn vốn là 24 năm 11 tháng 8 ngày (kể từ ngày 1/9/2016 đến 9/12/2040). 

Nhà đầu tư dự án là Liên danh Tổng công ty 36-Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội-Công ty cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc. 

Chuyên đề