Ảnh Internet |
Theo CNN, thông tin cá nhân của bạn là nguồn tiền của Facebook và nó được buôn bán mỗi ngày. Khi các nhà quảng cáo muốn nhắm mục tiêu vào một nhóm khách hàng cụ thể, như độ tuổi hay sở thích nhất định, Facebook sẽ cung cấp cho họ.
Bên cạnh Facebook, hầu hết các mạng lưới được nhà quảng cáo hỗ trợ đã bán một số thông tin của bạn cho bên thứ ba. Google, Microsoft, Yahoo, AOL, Amazon, Twitter và Yelp cũng làm như vậy.
Cái giá để trả cho việc sử dụng Facebook miễn phí chính là những thông tin cá nhân của bạn. Mọi người đang tận dụng những dịch vụ miễn phí thông qua việc đăng tải, tìm kiếm và chia sẻ. Hầu hết các công ty sẽ thu thập những dữ liệu đó cho các mục đích hợp pháp và trong phạm vi mà các công ty như Facebook cho phép.
Các thỏa thuận đó đã giúp cho Facebook và Google trở thành những nhà quảng cáo trực tuyến hàng đầu thế giới. Theo eMarketer, Facbook và Google nắm giữ ¾ thị trường quảng cáo kỹ thuật số trị giá 83 tỷ USD tại Mỹ.
Tuy nhiên thỏa thuận “khách hàng là sản phẩm” như vậy không phải lúc nào cũng có lợi cho người sử dụng mạng xã hội. Hôm 19/3, thông tin về công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân của 50 triệu tài khoản Facebook là lời cảnh báo đối với người dùng trong việc xem xét các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội này.
Liệu những gã khổng lồ công nghệ có khước từ khoản lợi nhuận để cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn dữ liệu của họ. Nếu mọi người chia sẻ ít hơn, các mạng xã hội sẽ kiếm được ít tiền hơn.
“Các công ty công nghệ có thể và nên làm nhiều hơn để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm việc cho phép người dùng có thể kiểm soát dữ liệu đã được thu thập và dữ liệu đó được sử dụng như thế nào”, Tổ chức Electronic Freedom Foundation cho biết.