Thống nhất cách hiểu để thuận lợi triển khai dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đa phần những vấn đề vướng mắc đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là do cách hiểu chưa thống nhất trong thực hiện, vận dụng quy định của pháp luật, cần được hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp 5 dự án PPP đang gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo vướng về công tác giải phóng mặt bằng và mỏ vật liệu đất đắp. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo vướng về công tác giải phóng mặt bằng và mỏ vật liệu đất đắp. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Vướng mắc chủ yếu do cách hiểu chưa thống nhất

Thực tế phần lớn các bộ, ngành, địa phương không phản ánh khó khăn, vướng mắc đối với dự án mới triển khai theo Luật PPP mà chủ yếu đề cập tới một số vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị dự án PPP. Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, trong số 37 vấn đề vướng mắc, thì có 28 vấn đề vướng mắc do cách hiểu chưa thống nhất.

Trong báo cáo gửi Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, Bộ KH&ĐT đã có hướng dẫn đối với những vấn đề này.

Cụ thể, nhiều địa phương nêu dự án có suất đầu tư rất lớn, khả năng thu hồi vốn của các nhà đầu tư còn thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khó thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án là thấp, gây khó khăn cho phần vốn nhà đầu tư phải bỏ ra cho các dự án PPP. Vì vậy, một số địa phương kiến nghị ban hành cơ chế đặc thù cho các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh khó khăn. Ví dụ, tỉnh Lai Châu kiến nghị phần vốn nhà nước đối với các dự án PPP trên địa bàn các tỉnh miền núi khó khăn cần hỗ trợ tối đa, với mức trên 50% tổng mức đầu tư của dự án. Đối với vấn đề này, Bộ KH&ĐT kiến nghị không sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 69 Luật PPP, từng trường hợp cụ thể sẽ do Quốc hội xem xét theo cơ chế đặc thù.

Đối với vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP, theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu không kèm chứng quyền riêng lẻ sau khi đã ký hợp đồng dự án PPP. Tuy nhiên, theo Khoản 20 Điều 4 Luật Chứng khoán, chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ngoài ra, Điểm d Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. VARSI cho rằng, quy định này chưa phù hợp, làm hạn chế đối tượng tham gia mua trái phiếu dự án PPP, cũng như loại hình trái phiếu mà doanh nghiệp dự án PPP phát hành. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc đưa ra quy định như trên nhằm hướng tới huy động vốn của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Vì vậy, Bộ KH&ĐT kiến nghị giữ nguyên quy định này. Trường hợp thị trường PPP ổn định, rủi ro thấp hơn, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sửa đổi nội dung này theo hướng mở rộng các loại hình trái phiếu. Với các vấn đề khác, Bộ KH&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể.

5 dự án gặp vướng trong triển khai thực hiện

Theo tổng hợp, Dự án Cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm, nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 đều vướng về công tác giải phóng mặt bằng và mỏ vật liệu đất đắp.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Thái Bình, nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh đang gặp một số vướng mắc. Đó là căn cứ để xác định lợi nhuận chưa rõ ràng, khó khăn về giải phóng mặt bằng; về bố trí, giải ngân vốn nhà nước, điều chỉnh dự án đầu tư.

Tại Đồng Nai, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ 1K, TP. Biên Hòa và Dự án Đầu tư xây dựng đường Phước Bình đoạn từ Quốc lộ 51 đến Khu công nghiệp Phước Bình cũng đang bị vướng. Hai dự án BT này được ký hợp đồng từ năm 2018, theo phương án tài chính, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc được thanh toán quỹ đất 40,8 ha và quỹ đất Khu công nghiệp Phước Bình theo hình thức thuê đất thu tiền một lần cho toàn thời gian thuê. Hiện cả hai dự án gặp khó trong bước thanh toán cho nhà đầu tư.

Chuyên đề