Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo hiểm vào giai đoạn nước rút

(BĐT) - Trong số 10 doanh nghiệp SCIC sẽ thoái vốn trong thời gian tới, có 2 cái tên đáng chú ý là Tổng công ty CP Bảo Minh và Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.
Hiện tại SCIC đang nắm giữ 3,26%, tương ứng 22,154 triệu cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt. Ảnh: Đ.T
Hiện tại SCIC đang nắm giữ 3,26%, tương ứng 22,154 triệu cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt. Ảnh: Đ.T

Nỗ lực thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm đã phát huy hiệu quả cho chính bản thân các doanh nghiệp này nói riêng, thị trường bảo hiểm nói chung.

Giữ lại Bảo Việt

Tiền thân là Công ty Bảo hiểm TP.HCM được thành lập năm 1994 do Bộ Tài chính quản lý, đến năm 2004, BMI cổ phần hóa và chuyển đổi sang mô hình tổng công ty cổ phần, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư. Trước khi niêm yết năm 2008, vốn điều lệ của BMI là 755 tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước nắm 50,7%, tương ứng gần 383 tỷ đồng theo mệnh giá. Tính theo thị giá cổ phiếu ngày 28/12/2015, số cổ phần (CP) này có giá trị xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Ngoài cổ đông Nhà nước, cán bộ nhân viên và cổ đông trong nước, khối ngoại đang nắm hơn 42% CP của Bảo Minh.

Còn tại VNR, Nhà nước đang nắm giữ 40,36% tương ứng hơn 52 triệu CP. Tính theo thị giá ngày 28/12/2015, giá trị khoản đầu tư này trên 1.000 tỷ đồng. VNR được thành lập năm 1994 với cổ đông khá đa dạng. Các cổ đông nước ngoài hiện nắm 34,68% vốn, trong đó Swiss Re nắm 25% và Franklin Templeton 5,3%.

Hiện chỉ còn Bảo Việt, Bảo Minh,Vinare có nguồn vốn của Nhà nước và 1 số DN bảo hiểm có nguồn vốn của ngân hàng thương mại, các nguồn vốn còn lại là của thị trường.Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Nhìn vào danh sách thoái vốn, câu hỏi đặt ra là vì sao Tập đoàn Bảo Việt (BVH) không thuộc diện bán vốn lần này của SCIC? Hiện tại SCIC đang nắm giữ 3,26%, tương ứng 22,154 triệu CP tại BVH. Nhiều ý kiến cho rằng, Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm vốn trong nước lớn nhất hiện nay hoạt động trên cả hai lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ, việc Nhà nước duy trì tỷ lệ sở hữu lớn để đủ chi phối thị trường bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hiện Bộ Tài chính (đơn vị đang quản lý SCIC) là cổ đông trực tiếp tại đây với tỷ lệ sở hữu lên đến gần 71%, tương ứng 627 triệu CP. Lý do được nhắc đến nhiều hơn là việc bán CP nhà nước tại DN bảo hiểm cần tính đến yếu tố cung cầu để bán cho được giá. Có thể không xa, sau khi hấp thụ hết số CP tại BMI và VNR, BVH sẽ được SCIC bán nốt.

Nhìn lại 3 năm trở lại đây có thể thấy, hoạt động thoái vốn của cổ đông nhà nước tại DN bảo hiểm diễn ra rất quyết liệt. Khởi đầu là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thoái 5,94 triệu cổ phiếu khỏi Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội vào tháng 11/2012. Đây là một giao dịch rất khó khăn, giá trị thương vụ không được công bố. Trước khi bán thành công, Vinacomin đã từng đăng ký đấu giá số CP này tại HNX nhưng sau đó, đợt đấu giá đã không thể diễn ra theo kế hoạch do chỉ có 1 nhà đầu tư bỏ phiếu tham gia. Trong khi đó, một nhà đầu tư khác (trong số 2 nhà đầu tư đăng ký đấu giá) đã bỏ cuộc, chấp nhận mất tiền đặt cọc tương ứng với số lượng CP đã đăng ký mua và không thực hiện bỏ phiếu đấu giá theo quy định.

Theo Báo cáo giám sát tài chính vừa được công bố, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã bán toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh với tổng giá trị 57,72 tỷ đồng. Vào giữa năm 2014, mặc dù không nằm trong danh sách thoái vốn nhưng DN này cũng đề xuất với Bộ Giao thông vận tải cho bổ sung vào danh sách thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty CP Bảo hiểm Hàng không Việt Nam  (20% CP, tương ứng 100 tỷ đồng).

Hiệu quả

Tại Lễ kỷ niệm ngày truyền thống ngành bảo hiểm mới đây, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định: “Các DN bảo hiểm đã cấu trúc lại hoạt động, vốn chủ sở hữu tăng, khả năng thanh toán đảm bảo, đã cơ bản đạt được yêu cầu, chỉ còn 1 DN bảo hiểm đang trong quá trình tái cấu trúc. Hiện chỉ còn Bảo Việt, Bảo Minh,Vinare có nguồn vốn của Nhà nước và 1 số DN bảo hiểm có nguồn vốn của ngân hàng thương mại, các nguồn vốn còn lại là của thị trường, điều đó cho thấy thị trường bảo hiểm đã được đa dạng hóa, mở cửa tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới”.

Trên thực tế, tại nhiều DN bảo hiểm sau khi cổ đông Nhà nước rút đi đã tạo động lực cho DN phát triển mạnh mẽ. Mặc dù các DN không còn khách hàng từ mối liên quan với cổ đông Nhà nước, nhưng đổi lại họ được quyền chủ động về quản trị, tự chịu trách nhiệm về chiến lược và hiệu quả kinh doanh. Đơn cử như tại Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, sau khi cổ đông Vinacomin rút, DN này đã thay đổi toàn diện từ con người đến nhận diện thương hiệu và chiến lược kinh doanh dẫn đến thay đổi tích cực trong hoạt động kinh doanh. Sự thay đổi tại mỗi DN đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho thị trường bảo hiểm với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2015 giá trị tổng tài sản của các DN bảo hiểm ước đạt 201.132 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2014; vốn chủ sở hữu đạt 42.388 tỷ đồng, tăng 3%; dự phòng nghiệp vụ ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 23,5%; số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 21.160 tỷ đồng, tăng 2%. Các DN bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư trở lại nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội với tổng số tiền đầu tư tài chính của các DN bảo hiểm năm 2015 ước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư