Thổ Nhĩ Kỳ tham gia giải phóng Mosul, bất chấp sự phản đối của Iraq

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/10 đã điều các xe tăng và pháo tham gia chiến dịch giải phóng thành phố Mosul khỏi phiến quân IS, bất chấp sự phản đối của chính phủ Iraq.
Các tay súng người Kurd tham gia chiến dịch giải phóng Mosul (Ảnh: Reuters)
Các tay súng người Kurd tham gia chiến dịch giải phóng Mosul (Ảnh: Reuters)

RT đưa tin, pháo và xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các vị trí của phiến quân IS tại thị trấn Bashiqa gần Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq bị rơi vào tay IS kể từ năm 2014. Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, hành động quân sự này diễn ra sau một đề nghị từ lực lượng Peshmerga của người Kurd.

“Peshmerga đã huy động quân để quét sạch IS khỏi khu vực Bashiqa. Họ đã đề nghị sự trợ giúp từ các binh sĩ của chúng tôi tại căn cứ Bashiqa. Vì vậy, chúng tôi đang trợ giúp bằng các xe tăng cùng với pháo ở đó”, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Thủ tướng Bildrim.

Bashiqa nằm gần một căn cứ quân sự nơi các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện cho các tay súng Hồi giáo Sunni, cả người Ả-rập và người Kurd.

Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq và là thủ phủ của “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng tại Iraq, đã bị IS chiếm đóng từ năm 2014. Vào ngày 17/10, quân đội Iraq và các nhóm dân quân địa phương khác đã bắt đầu chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giải phóng thành phố. Chiến dịch này có sự tham gia của khoảng 30.000 binh sĩ và lực lượng dân quân, và được sự hậu thuẫn của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào thời điểm căng thẳng, khi Iraq tuyên bố không muốn bất kỳ sự hỗ trợ trên bộ nào từ các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò trong chiến dịch Mosul, nhưng Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bác bỏ đề xuất này.

“Tôi biết người Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia, nhưng chúng tôi nói cảm ơn họ. Đây là điều mà người Iraq sẽ tự giải quyết và người Iraq sẽ giải phóng Mosul và phần lãnh thổ còn lại”, Thủ tướng Abadi tuyên bố.

Trong trường hợp cần trợ giúp, “chúng tôi sẽ có lời đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực”, ông Abadi nói thêm.

Mosul là thành phố lớn thứ 2 của Iraq, bị rơi vào tay phiến quân IS từ năm 2014 (Đồ họa: BBC)

Tuyên bố trên của Thủ tướng Abadi là bình luận mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài giữa Ankara và Baghdad về chiến dịch giải phóng Mosul. Trước đó, hôm 10/10, Thủ tướng Iraq ddax bác bỏ bất kỳ vai trò nào của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Mosul.

Tuy nhiên, Mosul không phải là điểm bất đồng duy nhất giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Baghdad cũng nhiều lần kêu gọi Ankara rút các binh sĩ đóng tại trại Bashiqa gần Mosul.

Thổ Nhĩ Kỳ duy trì khoảng 250 xe tăng cùng 150 binh sĩ, và “các cố vấn quân sự” ước tính lên tới khoảng 2.000 người tại trại Bashiqa.

Chính phủ Iraq đã chỉ trích sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là "vi phạm chủ quyền". 

Chuyên đề