Thiếu thuốc tại cơ sở y tế một số tỉnh, thành phía Nam, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian gần đây, một số cơ sở y tế (CSYT) ở khu vực phía Nam xảy ra tình trạng thiếu thuốc đối với các loại bệnh mãn tính như tim mạch, thận…, dẫn đến việc bệnh nhân phải tự mua những loại thuốc điều trị nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng thiếu thuốc được các CSYT/đơn vị mua sắm cho là do công tác đấu thầu thuốc bị chậm.
Tình trạng thiếu thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xảy ra trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tình trạng thiếu thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xảy ra trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gần đây nhất là tình trạng thiếu thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xảy ra trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Các bệnh nhân được thông báo là phải tự mua thuốc điều trị, do Khoa Dược hết các loại thuốc như: Advagraf (0,5mg, 1mg, 5mg), Prograf 1mg, Cellcept 500mg.

Theo tìm hiểu, giá thuốc Advagraf 0,5mg trúng thầu gần đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bên mời thầu khác là 34.784 đồng/viên (1,729 triệu đồng/hộp 50 viên), thuốc Advagraf 1mg là 52.173 đồng/viên (hơn 2,608 triệu đồng/hộp 50 viên), thuốc Advagraf 5mg có giá hơn 241.500 đồng/viên (12,075 triệu đồng/hộp 50 viên)... Trong khi đó, giá bán trên thị trường thường cao hơn giá trúng thầu.

Ngày 6/5/2022, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tình trạng thiếu thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện đã được khắc phục, thông qua việc mua thuốc theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Trước đó, các CSYT trên địa bàn một số tỉnh/thành khác như Phú Yên, Bình Dương… cũng gặp khó khăn vì thiếu thuốc. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên - bên mời thầu chịu trách nhiệm mua sắm tập trung cho các CSYT công lập trên địa bàn Tỉnh chậm tổ chức đấu thầu mua thuốc, dẫn đến thiếu thuốc điều trị một số bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch… Cuối tháng 3/2022, tình trạng này mới được khắc phục.

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu thuốc được các CSYT chỉ ra là do chậm trễ trong khâu tổ chức đấu thầu thuốc. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, chậm đấu thầu thuốc có một phần là do cán bộ phụ trách bị nhiễm Covid-19.

Ngoài ra, sự chậm trễ này còn bắt nguồn từ công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá một số biệt dược gốc (trong đó có thuốc chống thải ghép sử dụng cho bệnh nhân ghép thận) do Bộ Y tế tổ chức đến nay chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân là do số lượng biệt dược gốc đàm phán giá lớn, trong khi nhân lực phục vụ cho công tác đàm phán còn hạn chế, kiêm nhiệm.

Đối với 3 gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia (Dự toán Cung cấp thuốc giai đoạn 2022 - 2023 với tổng dự toán là 9.189 tỷ đồng), Bộ Y tế đã phải gia hạn thời điểm đóng/mở thầu tới 6 lần (từ cuối tháng 4/2021 đến cuối tháng 2/2022). Nguyên nhân là do trước khi đóng/mở thầu, một số nhà thầu có kiến nghị nên phải rà soát lại danh mục. Bên cạnh đó, một số nhà thầu ở khu vực phía Nam gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) và di chuyển vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã đề xuất Bộ Y tế lùi thời điểm đóng/mở thầu. Đây là những gói thầu quy mô lớn, có hàng trăm nhà thầu tham dự, nên cần nhiều thời gian để đánh giá, làm rõ HSDT. Trong khi chờ đợi kết quả lựa chọn nhà thầu, ngày 24/11/2021, Bộ Y tế đã đề nghị các CSYT chủ động tổ chức mua sắm theo quy định để bảo đảm cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị.

Về phân cấp trong đấu thầu thuốc, hiện nay phân thành 3 cấp, gồm: cấp trung ương, cấp địa phương và cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tự thực hiện. Các cơ sở KCB trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy đã tự chủ tài chính được phân cấp tự tổ chức đấu thầu mua thuốc đối với những gói thầu dưới 5 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng thiếu thuốc trước tiên thuộc về các CSYT, hội đồng đấu thầu thuốc. Bởi vì, theo Nghị định số 46/2018/NĐ-CP, trách nhiệm của cơ sở KCB là phải bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế. Do đó, khi gần hết thuốc thì CSYT phải chủ động lên kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Ông Lê Văn Phúc chia sẻ, thực tế tại Bình Dương có trường hợp tháng 8/2021 hết hạn gói thầu cũ, nhưng tháng 6 - 7 mới khởi động đấu thầu gói thầu mới là quá muộn. Quy trình tổ chức đấu thầu thuốc đòi hỏi sự chặt chẽ, thường phải mất tới vài tháng. “Do đó, phải có một đội ngũ chuyên nghiệp để rút ngắn được thời gian ở tất cả các khâu cũng như kịp thời tổ chức đấu thầu để nguồn cung thuốc không bị gián đoạn”, ông Phúc nhấn mạnh.

Chuyên đề