Năm 2023, tổng khối lượng than cấp cho điện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc ước tính trên 45 triệu tấn. Ảnh: ĐG |
Lo thiếu than cho sản xuất điện
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, EVN phản ánh, năm ngoái, việc cung cấp than không đúng kế hoạch với hầu hết nhà máy nhiệt điện, ảnh hưởng tới vận hành cung cấp điện. Điển hình là việc cung cấp than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình không ổn định. Giai đoạn đầu năm 2022, các nhà máy nhiệt điện như: Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2… chỉ đủ than vận hành một tổ máy ở 70% công suất, nhiều tổ máy thậm chí dừng hoạt động.
Dự báo năm nay nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ tăng, giá than nhập khẩu vẫn ở mức cao ảnh hưởng tới khả năng huy động của các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu như Vĩnh Tân 4.
Theo tính toán của EVN, năm 2023, tổng khối lượng than cấp cho điện của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là 45,89 triệu tấn. Riêng với các nhà máy nhiệt điện của EVN, khối lượng than dự kiến cấp trong năm 2023 là 17,98 triệu tấn, thấp hơn hợp đồng than dài hạn khoảng 1,5 triệu tấn. Để đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện năm 2023, nhất là các tháng mùa khô sắp tới, EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cho sản xuất điện.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là một trong những nhà máy bị ảnh hưởng do lượng than cấp cho sản xuất điện năm 2022 không đúng với kế hoạch. Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cho rằng, những lo ngại của EVN về việc thiếu than cho sản xuất điện năm 2023 là có cơ sở, bởi nhu cầu vẫn ở mức cao.
Đối với Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (sử dụng than nhập khẩu để sản xuất điện), một cán bộ của Nhà máy cho biết, hiện tại giá than nhập khẩu rất cao, tăng 5 - 6 lần so với thời điểm trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Với tình hình này, nhiều khả năng kế hoạch mua than cho sản xuất điện sẽ giảm, ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà máy, Tập đoàn.
Rộng cửa tìm kiếm nhà thầu
Để phòng ngừa rủi ro, ông Thành cho biết, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã có những phương án như: xem xét cải tạo nâng hiệu suất tổ máy, giảm bớt tiêu hao nhiên liệu, phối hợp với EVN trong các kế hoạch đảm bảo cấp than và nhu cầu phát điện sao cho phù hợp…
Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua than nhập khẩu năm 2023 của TKV, nguồn tin của Báo Đấu thầu cho hay, TKV tiếp tục mua than nhập khẩu để trộn cung cấp cho các đơn vị. Đến thời điểm này, TKV đã có thông báo lựa chọn nhà thầu một gói thầu mua than nhập khẩu. Đó là Gói thầu Mua than nhập khẩu (than 5.700 kcal/kg - cơ sở nhận) thuộc Dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp than nhập khẩu số hiệu 01/2023/TNK-TKV. Gói thầu này có giá dự toán 2.062,658 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi quốc tế, dự kiến đóng/mở thầu vào ngày 6/3 tới. Tuy nhiên, theo dự đoán của một số nhà thầu cung cấp than cho các nhà máy điện, nhiều khả năng Gói thầu sẽ không có nhiều nhà thầu tham dự.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, năm 2022, nhiều gói thầu mua than nhập khẩu để pha trộn đã phải hủy thầu do không có nhà thầu dự, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới, cộng thêm xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung hạn chế, giá than tăng cao.
Để đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện, tại cuộc làm việc với EVN cuối năm 2022, Phó Tổng giám đốc TKV Lê Quang Dũng cam kết, TKV sẽ tăng cường phối hợp với EVN để triển khai việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong năm 2023.
Thông tin thêm với Báo Đấu thầu, EVN cho hay, căn cứ kế hoạch sản xuất điện năm 2023, EVN cũng sẽ có kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp than cho các nhà máy điện…
EVN đề nghị, TKV ưu tiên cung cấp than cho phát điện trong mọi trường hợp, có các giải pháp tăng khai thác than sản xuất trong nước liên tục, ổn định cho các nhà máy nhiệt điện. Cùng với đó, TKV phối hợp với các nhà máy nhiệt điện để cấp các chủng loại than có chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thực tế của từng nhà máy.