Thiếu “sếu đầu đàn” dẫn dắt khu vực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lực lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân tại Việt Nam ngày càng đông đảo, sức chống chịu cũng ngày càng được cải thiện. Song theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DN tư nhân trong nước đông nhưng chưa mạnh, đặc biệt là thiếu vắng những DN “sếu đầu đàn” dẫn dắt và tạo sức ảnh hưởng trên thương trường.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã và đang có những đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã và đang có những đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước. Ảnh: Lê Tiên

Những điểm cộng đáng chú ý

Hiện Việt Nam có gần 900.000 DN, trong đó khoảng 97% là các DN tư nhân. Khu vực này đã và đang có những đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước.

Một báo cáo nghiên cứu về khối 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) được NCIF công bố gần đây cho thấy, khu vực tư nhân đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Báo cáo chỉ ra, bình quân giai đoạn 2016 - 2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số DN nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

Theo TS. Lương Văn Khôi, trong đại dịch Covid-19, vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có DN thuộc nhóm VPE500 tiếp tục được khẳng định, tạo nền tảng quan trọng, là “lực kéo” của nền kinh tế. Về hiệu quả kinh doanh, các DN thuộc VPE500 đều có mức lợi nhuận trên vốn sở hữu khá cao so với DN tư nhân còn lại. “Đây là biểu hiện tốt, chứng minh sức chống chịu của nhóm VPE500 cao hơn các DN còn lại”, ông Khôi nhận xét.

Cũng theo ông Khôi, VPE500 có hoạt động tự phát triển máy móc, công nghệ cao hơn nhiều so với các DN tư nhân khác. Đồng thời, tỷ lệ tự động hóa, số hóa cao hơn so với các DN còn lại. Điều này chứng tỏ các DN tư nhân trong danh sách đã đầu tư vào khoa học sản xuất nhiều hơn, góp phần tăng khả chống chịu trước những biến động của thị trường.

Nhưng chưa mạnh

Trên thực tế, Việt Nam đã có một số DN tư nhân lớn như FPT, VinFast, Doji, Sữa TH, Coteccons, nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Đến nay, số lượng triệu phú, tỷ phú USD tại Việt Nam còn khiêm tốn.

Nhìn vào “sức khỏe” của các DN thuộc VPE500, ông Khôi cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần được cải thiện. “Phân tích danh mục VPE500 giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, khoảng hơn một nửa số DN duy trì được vị trí liên tục trong danh mục; trung bình trên 20% DN thuộc nhóm này sẽ không xuất hiện trong danh mục năm sau và khoảng 10% DN chỉ xuất hiện một lần”, ông Khôi cho biết. Theo chuyên gia, sự biến động đó cho thấy, các DN thuộc VPE500 phát triển nhưng thiếu tính bền vững, thiếu ổn định. Bên cạnh đó, năng suất lao động không tăng nhanh như quy mô cho thấy nhóm VPE500 vẫn thiên về mở rộng sản xuất hơn là phát triển theo chiều sâu.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang thiếu các DN cỡ vừa và cỡ lớn để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế.

Bình luận về tình hình kinh tế thời gian tới, các dự báo đều cho thấy, khả năng tăng trưởng của DN nói chung, nhóm VPE500 nói riêng sẽ chịu tác động rất lớn của các ẩn số thị trường. “Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine rất khó đoán định. Diễn biến của cuộc xung đột này sẽ tác động rất lớn đến biến động của thị trường thế giới, trong đó có thị trường năng lượng. Giá dầu có thể tăng mạnh, kéo chi phí đầu vào của DN tăng cao”, ông Khôi lo ngại.

Theo chuyên gia này, việc Mỹ tăng lãi suất đang đẩy giá đồng USD tăng cao và VND cũng như nhiều đồng tiền khác bị ảnh hưởng. Do đó, gần đây nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nội địa.

Với thách thức đó, ông Khôi nhấn mạnh, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những DN tư nhân lớn, những tập đoàn với thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế dẫn dắt các DN khác tăng sức chống chịu trước các biến động của thị trường.

Để hỗ trợ DN phục hồi, phát triển và ứng phó tốt với sự bất định, các chuyên gia khuyến nghị, cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); khuyến khích DN lớn đầu tư để cải thiện năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển đổi số nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu… Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần theo dõi sát sao, từ đó có phân tích, dự báo và giải pháp hỗ trợ kịp thời cho DN nội mạnh lên.

Chuyên đề