Thiếu cơ chế ưu đãi mua sắm công xanh

(BĐT) - Trước thực tế hoạt động mua sắm công (MSC) của Việt Nam “chưa xanh”, nhiều ý kiến của các cơ quan mua sắm cũng như nhà thầu cho rằng việc lồng ghép các yếu tố bền vững vào lập kế hoạch mua sắm và lựa chọn nhà cung cấp là rất cần thiết. 
Một số chuyên gia cho rằng khi tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu cần bổ sung quy định về ưu đãi mua sắm công xanh. Ảnh: Lê Tiên
Một số chuyên gia cho rằng khi tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu cần bổ sung quy định về ưu đãi mua sắm công xanh. Ảnh: Lê Tiên

Việc lồng ghép yếu tố xanh vào MSC bền vững sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nhưng quan trọng hơn, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, cần đưa MSC xanh thành một nội dung ưu đãi trong pháp luật về đấu thầu.

Bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Viện Công nghệ châu Á cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 3 nhãn sinh thái ở tầm quốc gia, gồm Nhãn Xanh Việt Nam, Nhãn Năng lượng và Nhãn Bông Sen xanh. Tuy nhiên, những ưu đãi trong MSC đối với các nhãn này chưa rõ ràng, gây thiệt thòi cho nhà cung cấp. Ngay cả một doanh nghiệp (DN) lớn như Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng tỏ ra bất ngờ chưa được nghe và biết đến chương trình nhãn xanh…

Đề cập về cơ chế chính sách ưu đãi để đưa sản phẩm xanh vào nhiều hơn trong hoạt động MSC, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, hiện Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định ưu đãi phát triển nhãn sinh thái nhằm mục tiêu thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thúc đẩy các ngành kinh tế xanh (sản phẩm dán nhãn xanh/sinh thái)..., song gần như các cơ quan mua sắm chưa quan tâm áp dụng, phía nhà thầu cung cấp cũng chưa biết đến.

Bà Hà thông tin thêm: Điều 47 Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên MSC đối với sản phẩm này. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính cũng mới đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy chế về MSC đối với sản phẩm thân thiện môi trường…

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Vinh, Trưởng Khoa Đấu thầu, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, hiện pháp luật về đấu thầu chưa có quy định ưu đãi đối với “yếu tố xanh” trong MSC. Ông Vinh cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả của MSC xanh thì phải đưa quy định vào Luật Đấu thầu dưới một hình thức ưu đãi, khi đó bên mời thầu sẽ cộng thêm điểm cho những DN có sản phẩm như vậy.

Để việc lồng ghép có thể trở thành hiện thực như đề xuất, theo ông Vinh, phải có một đơn vị chức năng xây dựng nội dung chương trình để có thể tiến hành lồng ghép khi tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu, để MSC xanh trở thành một nội dung ưu đãi. Trường hợp, nếu chỉ bắt buộc việc thực hiện MSC xanh ở Luật Bảo vệ môi trường thì không khả thi hoặc quy định trong những thông tư của Bộ Tài chính về MSC cũng chưa đủ chi phối.

Khẳng định việc lồng ghép vào pháp luật về đấu thầu là việc làm khả thi hơn cả, ông Hồ Công Hòa, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương  cho rằng, đây là cơ hội tốt nhất để các đơn vị mua sắm dễ bề thực hiện, đảm bảo tính nhất quán trong quá trình thực thi.

Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Hữu Lý, Phòng Bán hàng của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng, cần có khung pháp lý quy định về MSC xanh để bên mua, bên cung ứng thực hiện. Trên cơ sở đó, bên mua đương nhiên phải ưu tiên vốn ngân sách để mua hàng hóa có yếu tố bền vững trên cơ sở giá cả hợp lý. Đại diện DN này cũng nêu quan điểm là cần đẩy mạnh công tác truyền thông để các đơn vị biết, thấu hiểu và áp dụng. Một số ý kiến khác thì đề xuất phải đẩy nhanh quy trình cấp các chứng nhận về các sản phẩm bền vững, cắt giảm chi phí bất hợp lý để DN yên tâm đầu tư phát triển.

Chuyên đề