Thiết chế văn hóa - thể thao tại TP.HCM chờ “thay áo mới”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM, Sài Gòn xưa là vùng đất hoa lệ với những địa điểm văn hóa - thể thao quy mô, hiện đại, thu hút đông đảo người dân. Thế nhưng, thực tế đáng buồn là những điểm đến vang bóng một thời nay đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí trở thành điểm giữ xe hay bán cà phê, cơm tấm…, khiến không ít người dân tiếc nuối.
Nhà hát Bến Thành được kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Song Lê
Nhà hát Bến Thành được kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Song Lê

Trong bối cảnh Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) đã tạo cơ hội cho TP.HCM huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư hàng loạt dự án, nhiều người kỳ vọng, các thiết chế văn hóa - thể thao sẽ “thay áo mới” trong tương lai gần.

Nơi xuống cấp, chỗ thiếu sân khấu

Dạo một vòng các tuyến phố khu trung tâm TP.HCM như Quận 1, Quận 5, Quận 3… không khó để nhận thấy hàng loạt địa chỉ văn hóa, từng là điểm hẹn giải trí tấp nập cuối tuần của người dân nay trở thành hoang phế. Trên đường Trần Phú (Quận 5), Rạp Hào Huê (sau đổi tên là Rạp Nhân Dân) từng là nơi biểu diễn cải lương, chiếu phim, nay đìu hiu và được tận dụng làm quán “cà phê cóc”. Cách đó không xa, Rạp Khải Hoàn (đoạn giao Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão, Quận 1) từng có thời gian thuộc Nhà hát Giao hưởng vũ kịch, giờ tọa lạc một siêu thị điện máy.

Bước chân vào Nhà hát Bến Thành (Quận 1), từng là một trong những địa chỉ hấp dẫn bậc nhất giới văn nghệ sỹ TP.HCM, phóng viên tận mắt chứng kiến sự xuống cấp trầm trọng. Khu sân khấu, ghế ngồi, tường đều hư hỏng, lạc hậu. Hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy lạnh không thể đáp ứng yêu cầu phục vụ biểu diễn chuyên nghiệp. Thậm chí, hai cụm rạp Tân Định (đường Hai Bà Trưng, Quận 1) và Cao Đồng Hưng (quận Bình Thạnh) dường như chỉ còn trong ký ức khi hoàn toàn chuyển giao cho đơn vị khác khai thác.

Ở chiều ngược lại, chia sẻ với phóng viên, một số “bầu sô” cho biết, tìm kiếm sân khấu, rạp đủ điều kiện để duy trì các suất diễn liên tục cho hoạt động sân khấu, cải lương, ca nhạc… rất khó khăn. Nhu cầu đầu tư, xây dựng mới các tụ điểm văn hóa đồng bộ trang thiết bị hiện đại tại TP.HCM là rất cấp bách.

Thực tế, nhiều dự án văn hóa, thể thao, biểu diễn quy mô của TP.HCM đang có tiến độ triển khai rất chậm. Đơn cử, Dự án Rạp xiếc - nhà biểu diễn đa năng Phú Thọ (Quận 11) mất hơn 15 năm để khởi công. Một loạt sân khấu như Nhà hát Giao hưởng nhạc và Vũ kịch trên đường Lê Duẩn, Rạp hát Hưng Đạo, Rạp hát Kim Châu… đang nằm chờ nâng cấp, sửa chữa. Thậm chí, một Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần vốn rất hút khán giả, vẫn chưa được đầu tư tương xứng.

Đối với lĩnh vực thể thao, dù là địa phương có dân số đông nhất nước, phong trào thể dục thể thao rất mạnh, nhưng số sân vận động, hồ bơi đạt chuẩn của TP.HCM lại rất khiêm tốn. Theo đánh giá của UBND TP.HCM, Thành phố vẫn chưa có 1 sân thi đấu đạt chuẩn quốc tế, phục vụ thể thao thành tích cao. Hiện toàn Thành phố có khoảng 2.500 cơ sở thể thao (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất thể dục, thể thao tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…). Tuy nhiên, con số này quá nhỏ so với nhu cầu của người dân. Sự phát triển của các công trình văn hóa - thể thao còn hạn chế (khoảng 1,5 công trình/10.000 dân). Đồng thời, tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là cấp xã, phường gần như chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Kỳ vọng diện mạo mới cho ngành thể thao - văn hóa

Theo nhiều chuyên gia, việc Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao - văn hóa mở ra cơ hội gỡ nút thắt, huy động nguồn lực tư nhân để “thay áo mới” cho các thiết chế văn hóa - thể thao. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại TP. Thủ Đức vốn đã có chủ trương đầu tư từ năm 1994. Theo quy hoạch, dự án này gồm nhiều công trình thể thao đạt chuẩn Olympic, như sân vận động có sức chứa 50.000 chỗ, nhà thi đấu thể thao tổng hợp... có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Tuy nhiên, do ngân sách eo hẹp, phụ thuộc vào đầu tư công, nên sau hơn 30 năm, diện mạo Khu liên hợp vẫn chưa đâu vào đâu.

Đầu năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã công bố danh sách 23 dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có đến 16 dự án nằm trong Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Cùng với các dự án này, Nhà hát Bến Thành cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, trong danh mục các dự án PPP lĩnh vực văn hóa - thể thao được đề xuất, lớn nhất là Dự án Sân vận động có mái che, có bố trí đường chạy điền kinh với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. Kế đến là Dự án Nhà đua xe đạp lòng chảo (khán đài 5.000 chỗ) tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời có mức đầu tư 4.000 tỷ đồng... Những dự án lớn này đều nằm trong Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, TP. Thủ Đức. Đây là những dự án PPP thể thao được Thành phố chuẩn bị kỹ càng từ pháp lý, mặt bằng, kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực.

Trong khi đó, TP. Thủ Đức cho biết đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia 11 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao theo phương thức PPP, với tổng vốn đầu tư 2.053 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Thủ Đức, 3 trong số 11 dự án này đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư.

“Mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư là mặt bằng, pháp lý. Do đó, chúng tôi cam kết 11 dự án triển khai trên địa bàn TP. Thủ Đức là các dự án đất công sẵn sàng cho nhà đầu tư khởi công ngay, pháp lý rõ ràng. Bên cạnh đó, mật độ dân cư của TP. Thủ Đức, mức chi cho hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, học tập của người dân Thủ Đức rất lớn, nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm khi bỏ vốn đầu tư”, bà Nga khẳng định. Được biết, do nhu cầu đăng ký quan tâm của nhà đầu tư cao, TP. Thủ Đức đã tổ chức nhiều chuyến thực địa, khảo sát địa điểm triển khai thi công dự án. TP. Thủ Đức đang nỗ lực để trong năm 2024 sẽ có 1 dự án PPP chuẩn mực được ký kết hợp đồng, thi công xây dựng.

Thông tin đến Báo Đấu thầu, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biêt, TP.HCM đã công bố 40 dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao. Trong đó, 23 dự án được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 22.400 tỷ đồng. Đồng thời, để tăng tính ứng dụng, linh hoạt cho nhà đầu tư lựa chọn, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu: đối với các thiết chế do Thành phố quản lý, quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế do quận, huyện quản lý, quy mô tối thiểu từ 10 tỷ đồng trở lên. Với 2 động lực là Luật PPP, Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ nỗ lực để thí điểm thành công áp dụng đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao.

Chuyên đề