Thị trường lao động phục hồi nhưng thiếu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường lao động quý I/2022 dần phục hồi khi số người có việc làm tăng so với quý trước, đặc biệt là lao động trong ngành dịch vụ. Dù có nhiều khởi sắc song thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Sáng 12/4, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I/2022.

Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, trong lĩnh vực lao động việc làm, khả năng phục hồi của năm 2022 chậm và không chắc chắn do đại dịch sẽ tiếp tục tác động đáng kể đến thị trường lao động toàn cầu. ILO đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động năm 2022, với mức thâm hụt thời gian làm việc toàn cầu trong năm 2022 so với quý IV/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian.

Tuy nhiên, trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình... Nhờ vậy, các hoạt động kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý I/2022 đã dần phục hồi cùng nền kinh tế thích ứng linh hoạt.

Theo đó, lực lượng lao động, số người có việc làm quý I/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đều giảm so với quý trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý đầu năm 2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 đạt 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 23,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý I/2022, có 13,0 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15 - 19 tuổi (5,7 triệu người).

Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh.

Trong quý I/2022, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người).

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Số lao động ở 2 vùng này cho biết, công việc của họ bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm lần lượt là 25,7% và 23,9%; cao hơn đáng kể so với con số này ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 18,8% và 14,4%. Thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn. Có 25,8% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 20,5%. Đa phần những người có công việc bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua có độ tuổi khá trẻ, từ 25 - 54 tuổi, chiếm 73,8%.

Tuy nhiên, số người có việc làm phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 21,4 triệu người, tăng 2,0 triệu người so với quý trước và tăng 695,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức gần 5 điểm phần trăm, điều này cho thấy thị trường lao động phục hồi chưa thực sự bền vững.

Chuyên đề