Thị trường khó, vẫn có nhiều DN trả cổ tức cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh khó khăn chung của môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ổn định, lợi nhuận tốt và trả cổ tức tiền mặt cao, đang thu hút nhiều hơn sự quan tâm của dòng tiền đầu tư.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam dự kiến dành hơn 6.690,7 tỷ đồng trả cổ tức năm 2023. Ảnh: Duy Quang
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam dự kiến dành hơn 6.690,7 tỷ đồng trả cổ tức năm 2023. Ảnh: Duy Quang

Nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao

Theo tài liệu vừa được Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) công bố trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 20/6/2024, HĐQT VEAM dự kiến trình ĐHCĐ phương án chi trả cổ tức tiền mặt lên tới 5.035,18 đồng/CP.

Nếu phương án này được ĐHCĐ thông qua, Tổng công ty sẽ trả cổ tức cho cổ đông 6.690,7 tỷ đồng. So với thị giá cổ phiếu đến cuối tháng 5/2024, tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt hơn 11%, gấp hơn 2 lần mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng phổ biến tại các ngân hàng. Trả cổ tức tiền mặt cao là “truyền thống” của VEAM trong những năm gần đây, chỉ trong 4 năm từ 2020 đến 2023, Tổng công ty đã chi trả 31.020 tỷ đồng cổ tức, gấp 2,3 lần vốn góp của chủ sở hữu (vốn điều lệ) hiện là 13.288 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất các loại linh kiện, động cơ, máy nông nghiệp…, VEAM đang nắm giữ 20% cổ phần tại Toyota Việt Nam, 30% cổ phần tại Honda Việt Nam và 25% cổ phần tại Ford Việt Nam. Đây đều là những liên doanh “đẻ trứng vàng” đều đặn, giúp Tổng công ty thu về nguồn lợi nhuận và dòng tiền dồi dào để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Công ty CP Nhựa Bình Minh (Nhựa Bình Minh) vừa chốt danh sách cổ đông vào cuối tháng 5/2024 để chi trả cổ tức tiền mặt 6.100 đồng/CP, thời gian thanh toán dự kiến là ngày 10/6/2024. Cuối năm 2023, Nhựa Bình Minh đã tạm ứng cổ tức 6.500 đồng/CP. Như vậy, với 2 đợt trả cổ tức, cổ đông của Nhựa Bình Minh đã nhận số cổ tức tới 12.600 đồng/CP cho lợi nhuận đạt được của năm 2023, tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt trên 10%. Việc trả cổ tức tiền mặt cao đã được Nhựa Bình Minh duy trì trong nhiều năm với tổng số tiền trả cổ tức giai đoạn 2020 - 2023 là 2.195 tỷ đồng, gấp 2,68 lần vốn điều lệ.

ĐHCĐ thường niên Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã thông qua phương án trả cổ tức 3.850 đồng/CP cho lợi nhuận của năm 2023. Trong đó, Công ty đã chi trả 2 đợt, còn 950 đồng/CP dự kiến được chi trả trong thời gian tới. Đối với năm 2024, Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết sẽ nỗ lực duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức như tổng mức chi trả của 2023. Tỷ suất cổ tức tiền mặt cũng được đánh giá là khá hấp dẫn khi so với thị giá cổ phiếu đang giao dịch quanh mức 66.000 đồng/CP.

Nhiều doanh nghiệp khác trên sàn cũng duy trì việc trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, nhà đầu tư với tỷ suất cao trên thị giá trong những năm gần đây. Tại ĐHCĐ thường niên 2024 vừa qua, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa đã thông qua việc phân phối lợi nhuận 2023, trong đó trả cổ tức tiền mặt 25.000 đồng/CP, tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt trên 10%. Đây cũng là mức cổ tức được Công ty duy trì liên tục những năm gần đây. Công ty CP Cảng Xanh VIP đã thông qua trả cổ tức cho lợi nhuận của năm 2023 lên tới 7.000 đồng/CP. Đáng chú ý mức cổ tức của Cảng Xanh VIP đã liên tục tăng trong những năm qua, từ 2.000 đồng/CP năm 2020, lên 2.500 đồng/CP năm 2021, 4.000 đồng/CP năm 2022. Công ty CP Mía đường Sơn La, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Cadivi và nhiều doanh nghiệp ngành điện, nước, dịch vụ hàng không, dược phẩm…. cũng nằm trong nhóm có tỷ suất cổ tức hấp dẫn những năm gần đây.

Trả cổ tức cần phù hợp với nguồn lực doanh nghiệp

Doanh nghiệp trả cổ tức cao luôn là thông tin hấp dẫn dòng tiền đầu tư. Tuy vậy, việc trả cổ tức cao bằng tiền mặt sẽ làm giảm lượng tiền tích lũy, giảm khả năng thanh toán và nguồn vốn dự trữ của doanh nghiệp. Do vậy, việc trả cổ tức cao chỉ phù hợp nếu công ty có nguồn lực tài chính dồi dào, sau khi trả cổ tức vẫn đáp ứng được dòng vốn kinh doanh, tái đầu tư và tiếp tục triển vọng kinh doanh hiệu quả.

Ngược lại, nếu việc trả cổ tức cao mang tính đột biến, bất thường, thậm chí khiến công ty suy giảm nguồn lực tài chính thì sẽ không bền vững, thậm chí “lợi bất cập hại”.

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, một số doanh nghiệp nhiệt điện như Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đã thực hiện nhiều đợt trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kết hợp với hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển. Nhưng việc trả cổ tức cao từ hoàn nhập quỹ này được đánh giá là mang tính đột biến, chưa phải là triển vọng lâu dài. Riêng với Nhiệt Điện Phả Lại, việc thu xếp 611 tỷ đồng để thanh toán số tiền cổ tức cho cổ đông vào cuối tháng 6/2024 cũng được đánh giá tạo áp lực không nhỏ trong bối cảnh các khoản phải thu tiền bán điện về chậm, tổng số dư tiền các loại đến cuối quý I/2024 chỉ là 55 tỷ đồng và Công ty vừa phải đi vay thêm 196 tỷ đồng trong quý đầu năm nay để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Ngược lại, tại ĐHCĐ bất thường tổ chức tháng 12/2022, HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Đô thị Kinh Bắc) đã trình và được cổ đông thông qua phương án trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt 2.000 đồng/CP và kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, đến tháng 4/2024 phương án mua cổ phiếu quỹ được điều chỉnh xuống 50 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, đầu tháng 3/2024, HĐQT của Đô thị Kinh Bắc đã trình ĐHCĐ hủy phương án trả cổ tức bằng tiền và mua cổ phiếu quỹ.

Nguyên nhân là Đô thị Kinh Bắc ưu tiên dồn nguồn lực tài chính để thực hiện mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu đến hạn và trước hạn và phải thu xếp nguồn lực tài chính để bảo đảm năng lực triển khai và mở rộng quy mô các dự án. Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty, tổng nợ vay trong năm 2023 đã giảm 3.979 tỷ đồng với 90,7% dư nợ vay đến cuối năm là các khoản vay dài hạn. Với việc hoãn trả cổ tức, nền tảng tài chính của Công ty được cải thiện, thanh khoản và bảo đảm nguồn lực đầu tư.

Chuyên đề