Người Venezuela băng qua biên giới sang Colombia để mua thực phẩm. Ảnh: CNN |
Báo cáo mới nhất của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, thuộc Đại học Colombia đã gọi Venezuela là "rủi ro nguồn cung ngày càng lớn với thị trường dầu mỏ 2017". Giá dầu hiện quanh 45 USD một thùng, giảm mạnh từ 110 USD cách đây 2 năm. Lý do chính là nguồn cung quá lớn.
Tuy nhiên, ranh giới giữa dư cung và thiếu hụt rất mỏng manh. Và Venezuela có khả năng đảo ngược tình thế hiện tại.
Họ đang là "yếu tố bí ẩn lớn nhất", Matt Smith - Giám đốc Nghiên cứu Hàng hóa tại ClipperData nhận xét. "Nền kinh tế này đang ngày càng ra khỏi tầm kiểm soát. Người ta lo rằng sản xuất dầu mỏ là cái tiếp theo sẽ tuột dốc", ông nói.
Dù các nước còn lại trong OPEC đều đang tăng sản xuất, Venezuela lại ngược lại, bất chấp việc họ là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Venezuela bơm ra 2,1 triệu thùng dầu một ngày trong tháng 6, giảm 30% so với trung bình năm 2008. Sản lượng tháng 6 cũng giảm 12% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu nửa đầu năm gần như đứng yên. Điều này có nghĩa tình hình tại Venezuela vẫn chưa thực sự tác động lên thế giới.
Venezuela phải giải quyết các thách thức rất lớn nếu muốn tiếp tục xuất khẩu dầu. Hãng dầu quốc gia - PDVSA sẽ phải thanh toán hàng tỷ USD mùa thu này. Và rất nhiều người cho rằng họ không thể trả được.
PDVSA đã đề nghị các chủ nợ trái phiếu hoán đổi từ nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn, để họ có thể kéo dài thời gian trả nợ. Nhưng việc này đều khó với cả 2 bên.
Hai công ty dịch vụ dầu mỏ hàng đầu của Mỹ - Halliburton và Schlumberger, đầu năm nay cho biết sẽ giảm hoạt động tại Venezuela, do nợ nần nhiều. Một hãng khác - Baker Hughes cũng tiết lộ số giàn khoan tại Venezuela đã giảm một phần ba trong năm qua.
Kể cả không có những việc trên, sản xuất của Venezuela cũng đang co lại trong dài hạn. Nước này không đủ tiền cho những khoản đầu tư đắt đỏ để nâng cấp cơ sở hạ tầng già cỗi ngành năng lượng. Vì thế, số mỏ dầu tự nhiên đang giảm sút. Kể cả giá dầu cao cũng không bù đắp được vấn đề này.
Nhiều người cho rằng sản xuất tại Venezuela giảm sút có thể nhanh chóng được bù lại bằng nguồn cung mới từ Mỹ và nhiều nước khác. Sản xuất tại Mỹ đã giảm thêm 800.000 thùng mỗi ngày so với đỉnh gần nhất. Và các công ty nước này cũng đủ độ linh hoạt để phản ứng khi thị trường thiếu hụt.
Còn riêng với Venezuela, giới chuyên gia đều đồng ý sản xuất tại đây sẽ tiếp tục đi xuống và con đường mà nước này đang đi là không bền. "Chúng ta không thiếu dầu, mà là thiếu dầu rẻ. Đó là rủi ro mà Venezuela mang lại. Tình hình hiện tại cho thấy họ sẽ không thể trụ lâu được", Russ Dallen - chuyên gia về nợ Venezuela kiêm giám đốc tại Caracas Capital Markets kết luận.