Thấy gì từ đấu thầu 3 dự án cao tốc sử dụng vốn nhà nước?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban QLDA 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã mở thầu 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đang gấp rút đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công các công trình vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2020.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, 13 gói thầu xây lắp có tổng giá gói thầu 22.259 tỷ đồng thuộc 3 đoạn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã thu hút 44 nhà thầu/liên danh nhà thầu nộp HSDT (đạt tỷ lệ trung bình 3,38 nhà thầu/1 gói thầu). Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) - kể cả gia hạn thời gian đóng thầu, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7 đã phát hành được 355 bộ HSMT. Số lượng nhà thầu mua HSMT ở mỗi gói thầu đều rất đông (hàng chục nhà thầu) nhưng số lượng nhà thầu/liên danh nộp HSDT ở mỗi gói thầu là không nhiều. Có 3 gói thầu phải gia hạn thời gian đóng thầu lần 2 để thu hút thêm sự tham gia của các nhà thầu.

Cụ thể, đối với Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Ban QLDA 7 đã phát hành được 140 bộ HSMT, có 16 nhà thầu nộp HSDT cho 4 gói thầu xây lắp (từ XL01 - XL04).

Đối với Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Ban QLDA Thăng Long đã phát hành được 75 bộ HSMT cho 4 gói thầu xây lắp (XL1 - XL4) với 13 nhà thầu/liên danh nhà thầu nộp HSDT.

Đối với Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Ban QLDA Thăng Long đã phát hành được 140 bộ HSMT cho 5 gói thầu xây lắp (XL10-XL14) với 15 nhà thầu/liên danh nhà thầu nộp HSDT (mỗi gói thầu có 3 nhà thầu/liên danh nhà thầu nộp HSDT).

Theo đánh giá của cán bộ Ban QLDA Thăng Long, nhìn chung, 13 gói thầu xây lắp nêu trên đã thu hút được sự tham gia của hầu hết các nhà thầu lớn trong nước. Hiện nay, các bên mời thầu đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình đánh giá HSDT, hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu để kịp mốc tiến độ khởi công các công trình này vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2020 theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT.

Còn cán bộ của Ban QLDA 7 cho biết, Ban đang hết sức nỗ lực để hoàn thành việc đánh giá HSDT của 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cố gắng để cuối tháng 9/2020 có thể khởi công 1 gói thầu và 3 gói thầu còn lại sẽ khởi công trong tháng 10/2020.

Về việc nhiều nhà thầu mua HSMT nhưng ít nhà thầu nộp HSDT 13 gói thầu nêu trên, TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu cho rằng, trong bối cảnh nhà thầu xây dựng “đói việc”, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước giải ngân cho các gói thầu đã sẵn sàng thì chỉ có 2 lý do giải thích cho câu chuyện này. Thứ nhất, thị trường xây dựng trong nước không có nhiều nhà thầu “đủ sức” (đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm) để thi công những gói thầu cao tốc có quy mô nghìn tỷ trở lên. Nhiều nhà thầu mua HSMT để tham khảo thông tin, tìm hiểu về các gói thầu chứ không đủ năng lực để thực hiện nên không nộp HSDT. Thứ 2 là do định mức, đơn giá, dự toán các gói thầu thấp nên các nhà thầu dù đã mua HSMT nhưng tính toán không thấy lãi khi triển khai nên không tham gia đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu tham gia đấu thầu 3 dự án cao tốc nêu trên khá cao. Ngoài yêu cầu về năng lực thi công, kinh nghiệm đã từng thực hiện các gói thầu cao tốc thì tiêu chí về tài chính cũng là “khóa chốt chặn” nhiều nhà thầu lớn trong bối cảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều nhà thầu lớn đã phải liên danh, liên kết với nhau mới đủ sức để tham gia.

Chuyên đề