Thay đổi tư duy để bắt kịp xu hướng xanh hóa kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh kinh tế đang có nhiều gam màu xám, khiến doanh nghiệp (DN) đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về tiếp cận vốn, sụt giảm đơn hàng... Nhưng nếu nhận diện rõ, nắm bắt kịp thời, hòa nhịp với các xu thế mới như phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn..., thì đây sẽ là thời cơ để DN tạo ra đột phá, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Dệt may sẽ là nhóm doanh nghiệp đầu tiên phải tuân thủ tiêu chuẩn sinh thái mới được Liên minh châu Âu ban hành vào cuối tháng 3/2022. Ảnh: Internet
Dệt may sẽ là nhóm doanh nghiệp đầu tiên phải tuân thủ tiêu chuẩn sinh thái mới được Liên minh châu Âu ban hành vào cuối tháng 3/2022. Ảnh: Internet

Nhận định này được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra khi bàn về vấn đề tái định vị DN để phát triển bền vững tại Hội thảo cùng chủ đề diễn ra ngày 23/3.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong khi những khó khăn, thách thức của 2 năm rưỡi xảy ra dịch bệnh Covid-19 vẫn còn, các DN tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức đáng lo ngại từ kinh tế trong và ngoài nước như: áp lực tăng lạm phát, khủng hoảng hệ thống tài chính, sụt giảm đơn hàng... Các thị trường chủ lực của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm và Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 xuống mức 6,3%. Một số thị trường xuất khẩu chính đang dần chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.

Như vậy, không chỉ dừng lại ở bài toán tồn tại sống còn trước mắt, theo ông Phạm Tấn Công, DN còn phải tái định vị lại mình để phát triển bền vững, từ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, vị thế của DN trong ngành nói riêng và trong tổng thể của một nền kinh tế nói chung, định vị lại cả năng lực công nghệ, cách thức quản trị DN...

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng, việc tái định vị DN để phát triển bền vững, là vấn đề thời sự, cấp bách hiện nay khi kinh tế trong và ngoài có nhiều thách thức, biến động. "Vì vậy, đây không phải là vấn đề của riêng DN hay Nhà nước, mà giống như vỗ tay, phải dùng cả 2 bàn tay, cần phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa 2 bên. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, đối mặt với bài toán duy trì sự tồn tại, nhưng nếu không nhìn trước và có hành động sớm thì sẽ không thể theo kịp với sự hội nhập và phát triển", ông Nguyễn Hồng Long nhận xét.

Một trong những xu hướng của năm nay và trong những năm tới, theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đó là xu hướng xanh hóa, phát triển bền vững. Trong đó, một số thị trường sẽ áp dụng tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn. Trong đó, dệt may sẽ là nhóm DN đầu tiên phải tuân thủ tiêu chuẩn sinh thái mới được Liên minh châu Âu ban hành vào cuối tháng 3/2022, tiếp đó là ngành da giày… "Vì vậy, DN cần có sự chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao này", bà Minh lưu ý.

Và không chỉ có EU, mà theo ông Đậu Anh Tuấn, sắp tới, các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ… cũng sẽ phát triển theo xu hướng này. Tại Việt Nam, xanh hóa cũng là cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng với quốc tế tại COP26. "Không thể cưỡng lại được, thì cộng đồng DN phải định hình và điều chỉnh hướng đi của mình", ông Tuấn khuyến nghị.

Với những cải cách động chạm tới lợi ích của các ngành lĩnh vực, thì rất khó đạt được sự đồng thuận cao. Do đó đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ hơn nữa.

Trong khi nhiều DN xây dựng gặp khó khăn vì hiệu ứng sụp đổ "domino" từ thị trường bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, Vinaconex dự kiến đạt 18.000 tỷ đồng doanh thu. Điểm sáng đó là nhờ có sự thích ứng, kịp thời tái cơ cấu sản phẩm, chuyển hướng sang thị trường đầu tư công khi Chính phủ kích cầu đầu tư trong lúc khu vực tư gặp khó khăn.

Cùng với việc tái cơ cấu lại dịch vụ, sản phẩm, thị trường để thích ứng kịp thời với sự thay đổi, ông Hiệp còn nhấn mạnh tới sự liên kết chặt chẽ giữa các hiệp hội ngành nghề, trong đó cần tăng cường hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin sớm nhận diện cơ hội, thách thức và kết nối với các ngành, các cấp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Để giúp DN thích nghi với những xu hướng thay đổi này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, hệ thống pháp luật trong nước cũng phải điều chỉnh để phù hợp với xu hướng chung đó. Qua phản ánh của các DN cho thấy, cái mà DN cần nhất lúc này là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục, tiết giảm chi phí, tăng tính dự báo.

"Việc DN rời khỏi thị trường vì dịch vụ, sản phẩm không đáp ứng yêu cầu là bình thường. Nhưng có bao nhiêu trong số hơn 51 nghìn DN rời bỏ thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 là do tác động của cơ chế, chính sách pháp luật thì cần phải được nhận diện, đánh giá cụ thể về sức khỏe DN để có chính sách hỗ trợ hiệu quả. Một giao dịch kinh tế hiện có thể chỉ xảy ra trong vài giây, nhưng để giải quyết tranh chấp phải mất hàng năm trời, làm phát sinh nhiều chi phí… là một trong những rủi ro kinh doanh với DN", ông Tuấn nói.

Thực tế, theo quan sát của ông Đậu Anh Tuấn, nhiều chỉ đạo của người đứng đầu Quốc hội, Chính phủ đến nay chưa được thực hiện nhiều, chưa phải là ưu tiên chính sách và chưa có đột phá cải cách. Điển hình là Nghị định đổi mới cơ chế quản lý trong an toàn thực phẩm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo theo hướng đổi mới thủ tục thông quan, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm… đã được khởi động từ rất lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa thể thông qua. "Với những cải cách động chạm tới lợi ích của các ngành lĩnh vực, thì rất khó đạt được sự đồng thuận cao. Do đó đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ hơn nữa", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đề xuất của bà Trần Thị Hồng Minh, Chính phủ cần duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp. Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho DN cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm. Cần xây dựng thể chế để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích và thúc đẩy DN phát triển bền vững theo hướng xanh hóa, kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn. Cùng với việc tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận vốn, Chính phủ cần tạo không gian phát triển cho các mô hình kinh doanh mới một cách bền vững thông qua cơ chế thử nghiệm (sandbox) như trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (fintech,...)...

Chuyên đề