Thay đổi để thích ứng với điều kiện bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cả thế giới và Việt Nam không thể tiếp tục phát triển, tồn tại theo cách thức như trước. Chính phủ cần phải xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo, trong đó đưa ra nhiều giải pháp thay đổi, thích ứng để vận hành kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua Covid-19 được coi là giải pháp quan trọng, động lực cho nền kinh tế trong giai đoạn tới. Ảnh: Việt Trần
Hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua Covid-19 được coi là giải pháp quan trọng, động lực cho nền kinh tế trong giai đoạn tới. Ảnh: Việt Trần

Kiểm soát tốt dịch Covid-19

Năm 2020 là năm có nhiều biến động lớn, gây nhiều khó khăn và thách thức cho thế giới và trong nước. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 3/11, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự đồng lòng hỗ trợ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân với thành công xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bước sang năm 2021 và những năm tiếp theo, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, vấn đề quan trọng hàng đầu trong mục tiêu kép là khôi phục nền kinh tế và ngăn ngừa hiệu quả, không để tái diễn dịch Covid-19. Ổn định đời sống sinh hoạt của người dân, tạo công ăn việc làm cho lao động. Kích cầu tiêu dùng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái tạo lại sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều với quy mô rộng khắp. Đồng thời, phải đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tạo niềm tin vững chắc của người dân với chính quyền trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng quan điểm, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới phụ thuộc nhiều vào việc khống chế dịch bệnh. Do đó, đại biểu này đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch Covid-19, không để chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, để chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra, ông Thường khuyến nghị, Chính phủ cần bổ sung vào báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế: một là trường hợp hết dịch; hai là khi dịch vẫn tiếp diễn như hiện nay; ba là trường hợp dịch bùng phát lớn hơn.

Xây dựng các mục tiêu trong điều kiện bình thường mới

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua Covid-19 được coi là giải pháp quan trọng, là động lực cho nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp vượt qua Covid-19 chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Cần có những giải pháp hỗ trợ lâu dài, không để tình trạng làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, rào cản cho doanh nghiệp. “Nếu không có bước đột phá trong cải cách hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sang năm 2021 không những không giúp doanh nghiệp giảm khó khăn mà còn kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế trong dài hạn”, ông Thường nhận định.

Nhìn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phân tích, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định với toàn bộ lộ trình trong các năm tiếp theo để đạt được những khát vọng phát triển đã được lượng hóa theo các cột mốc là năm 2030 và năm 2045.

Để đạt được các cột mốc phát triển, Việt Nam phải giải quyết các bài toán: tăng trưởng, tài chính ngân sách, chủ quyền an ninh, nhà nước pháp quyền, huy động sức dân.

Trong đó, đối với bài toán tăng trưởng, trong điều kiện bình thường mới diễn ra trên toàn cầu, ông Nghĩa cho rằng, chúng ta không thể xây dựng các mục tiêu tăng trưởng với cơ chế và phương thức như trước. Do đó, cần bổ sung vào chiến lược phát triển kinh tế là phát triển nhanh, bền vững và tự chủ (trong đó yếu tố tự chủ là đặc thù của giai đoạn bình thường mới). Bên cạnh đó, cần rà soát lại 3 khu vực kinh tế, xây dựng, tái cơ cấu lại để phù hợp với điều kiện bình thường mới.

Việc đặt các mục tiêu tăng trưởng theo cách cũ, theo một số đại biểu Quốc hội, là không còn phù hợp trong bối cảnh sức mua và cách thức tiêu thụ của thị trường quốc tế đã thay đổi… Ngoài ra, phải có chính sách để khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Đối với bài toán tài chính ngân sách, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh, nếu cần nâng trần bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài… vì những yếu tố khách quan như Covid-19 thì cũng phải làm, nhưng điều cốt tử là phải tạo ra nguồn thu, kiểm soát thu chi, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ. Chính phủ cần giải trình thêm về nội dung này để cử tri yên tâm hơn.

Chuyên đề