Tháo gỡ triệt để vướng mắc pháp lý, tạo động lực cho DNNN phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiêu biểu tổ chức ngày 3/3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tiếp tục chỉ ra nhiều giải pháp, nhất là giải pháp về pháp lý, nhằm phát huy vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phát huy tối đa nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm 2021 - 2025 là rất quan trọng. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phát huy tối đa nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm 2021 - 2025 là rất quan trọng. Ảnh: VGP

Chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh dự báo còn khó khăn...

“Việc phát huy tối đa nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia của DNNN trong triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 và 5 năm 2021 - 2025 là rất quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Điểm lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các DNNN trong năm 2023, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đánh giá, khối doanh nghiệp (DN) này đã đạt được một số kết quả đáng chú ý. Năm qua, tổng doanh thu ước thực hiện của DNNN đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của DNNN đạt khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166.000 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Về đầu tư phát triển, các DNNN đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện như: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Tuy vậy, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của các DNNN cơ bản ổn định, tuy nhiên chưa đạt kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 chỉ đạt 80%, thấp hơn mức bình quân của cả nước; một số DNNN hoạt động thua lỗ, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của các DNNN nhìn chung còn hạn chế. Các DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao...

Cần gỡ “nút thắt”, tạo động lực phát triển

Về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có một số vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được kịp thời tháo gỡ. Các quy định pháp luật liên quan về quản trị DN, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong nền kinh tế thị trường. Pháp luật hiện hành về DNNN, đặc biệt, Luật số 69/2014/QH13 có nhiều quy định không còn phù hợp với bối cảnh mới, chưa thật sự phân cấp, phân quyền, chưa trao quyền tự chủ cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; hội đồng thành viên của DN chủ động quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Để các DNNN phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, DN cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp nhằm phát huy vai trò của DNNN trong phát triển KTXH, trong đó có vướng mắc về cơ chế pháp lý, tạo động lực cho DNNN phát triển.

“Hoàn thành trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư vốn nhà nước tại DN, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước; các cơ chế, chính sách đặc thù để các DNNN quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển của DNNN”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Theo đó, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa Luật vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển KTXH và hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh của DNNN.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 theo hướng có giải pháp cho DNNN chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh gắn với trách nhiệm và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật, trong đó, tập trung nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trong việc: thoái vốn tại DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là công ty đại chúng đang thua lỗ; chuyển giao dự án đầu tư, tài sản giữa các DNNN; chuyển giao tài sản từ DNNN về địa phương; xử lý về đất đai khi cổ phần hóa DNNN.

Bộ KH&ĐT sớm tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và DNNN; xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới...

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của DN tại địa phương theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ KH&ĐT, đến hết năm 2023, Việt Nam còn 676 DNNN, trong đó gồm 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DNNN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. DNNN hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng của nền kinh tế.

Chuyên đề