NT này được xếp thứ nhất, được mời vào thương thảo HĐ. Giá đề nghị trúng thầu của NT này không vượt dự toán của gói thầu nên đã được trúng thầu. HĐ ký giữa chủ đầu tư và NT trị giá 11 tỷ đồng .
NT đã triển khai thực hiện theo HĐ, đã hoàn thành các công việc theo HĐ (theo thiết kế) và đã được các bên ký xác nhận, nghiệm thu.
Hỏi: Giá trị thanh toán cho NT sẽ là bao nhiêu trong hai trường hợp sau đây:
1. Trường hợp giá trị các công việc mà NT A đã thực hiện theo thiết kế nhỏ hơn giá HĐ 500 triệu đồng thì NT vẫn được thanh toán là 11 tỷ đồng như giá HĐ đã ký hay giá trị thanh toán là 10,5 tỷ đồng?
2. Trường hợp giá trị các công việc mà NT A đã thực hiện theo thiết kế lớn hơn giá HĐ 700 triệu đồng thì NT vẫn được thanh toán là 11 tỷ đồng như giá HĐ đã ký hay giá trị thanh toán là 11,7 tỷ đồng?
Trả lời : HĐ trọn gói được quy định tại Điều 62 Luật Đấu thầu. Theo đó, đã là HĐ trọn gói thì giá HĐ không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện HĐ, nghĩa là khi NT hoàn thành các công việc theo HĐ thì giá trị thanh toán cho NT bằng đúng giá HĐ đã ký, không tăng và cũng không giảm so với giá HĐ. Tại Điều 62 của Luật cũng lưu ý trước khi ký HĐ trọn gói đối với gói thầu xây lắp, các bên liên quan cần rà soát lại khối lượng công việc theo thiết kế. Trường hợp phát hiện khối lượng công việc chưa chính xác so với thiết kế thì chủ đầu tư xem xét, quyết định việc điều chỉnh khối lượng công việc để bảo đảm phù hợp với thiết kế.
Quy định nêu trên của Luật Đấu thầu nhằm bảo đảm sự thống nhất, phù hợp giữa khối lượng công việc trong HĐ và giá HĐ để rủi ro cho từng bên tham gia HĐ là ít nhất. Quy định này xác định đầy đủ ý nghĩa của loại HĐ trọn gói là HĐ khoán gọn. Điều này sẽ nâng cao trách nhiệm của các bên trước khi ký HĐ. Chính vì vậy, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu cũng quy định thêm về việc trách nhiệm đền bù của các bên đối với việc tính toán sai số lượng, khối lượng công việc thuộc HĐ trọn gói (chẳng hạn trách nhiệm tiên lượng theo thiết kế khi lập dự toán) và trách nhiệm đền bù phải được quy định trong HĐ ký giữa các bên.
Trên cơ sở phân tích như trên, trở lại 2 trường hợp trong tình huống nêu trên có thể thấy như sau:
1. Đối với trường hợp giá trị các công việc mà NT A thực hiện để hoàn thành theo thiết kế ít hơn giá HĐ thì NT vẫn được thanh toán theo giá HĐ, nghĩa là NT được thanh toán với giá trị là 11 tỷ đồng, bằng giá HĐ đã ký. Bởi lẽ đây là HĐ trọn gói theo quy định tại Điều 62 Luật Đấu thầu.
Với 500 triệu đồng mà NT được hưởng mà không mất chi phí thì phía chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc tư vấn là những người tham gia lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chịu trách nhiệm đền bù theo trách nhiệm đền bù trong HĐ ký giữa các bên.
2. Đối với trường hợp giá trị các công việc mà NT A thực hiện để hoàn thành theo thiết kế nhiều hơn giá HĐ thì NT chỉ được thanh toán theo giá HĐ, nghĩa là NT được thanh toán với giá trị là 11 tỷ đồng, bằng giá HĐ đã ký (theo Điều 62 Luật Đấu thầu) mà không được hưởng thêm 700 triệu đồng. Khoản chi phí tăng thêm này là lỗi của NT do không rà soát kỹ khối lượng công việc theo thiết kế trước khi ký HĐ. Đây là bài học cho NT để hạn chế rủi ro.
Nếu NT được thanh toán với giá trị 10,5 tỷ đồng (trong trường hợp 1) hoặc 11,7 tỷ đồng (trong trường hợp 2) trên cơ sở khối lượng thực tế mà NT đã thực hiện thì tức là thay đổi loại HĐ đã ký từ trọn gói sang theo đơn giá (đơn giá cố định hoặc đơn giá điều chỉnh) thì đó là sự vi phạm HĐ đã ký.
Rõ ràng HĐ trọn gói có ý nghĩa tích cực để nâng cao trách nhiệm của các bên trước khi ký HĐ. Mặc dù nó thực sự khắt khe và “vô cảm” nhưng đấy mới đúng ý nghĩa của từ trọn gói của loại HĐ này.