Thanh toán dứt điểm dự án BT đường nối Phú Yên - Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Phú Yên tuần qua, tỉnh Phú Yên đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc thanh toán giai đoạn 1 Dự án BT đường nối Phú Yên - Gia Lai.
Giai đoạn 1 Dự án BT đường nối Phú Yên - Gia Lai thi công 31 km đường cùng 8 cầu trên tuyến với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Giai đoạn 1 Dự án BT đường nối Phú Yên - Gia Lai thi công 31 km đường cùng 8 cầu trên tuyến với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đều đề nghị Phú Yên nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để giải quyết dứt điểm, chốt lại ngay con số, bố trí thanh toán cho nhà đầu tư, không để lãi mẹ đẻ lãi con.

Dự án Nâng cấp đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai (đoạn qua Phú Yên) được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với quy mô đường cấp IV miền núi, tổng chiều dài 61,3 km, tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu tại Km31+64,81 trên Quốc lộ 19C, thuộc địa phận xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân; điểm cuối tại Km56+772 thuộc thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, giáp ranh với xã Đác-Plinh, huyện Kông Choro, tỉnh Gia Lai. Trong giai đoạn 1, Dự án triển khai thi công 31 km đường cùng 8 cầu trên tuyến với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đầu tư theo hình thức BT tại Văn bản số 2490/TTg-KTN ngày 15/12/2009, sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2275/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 và ký kết Hợp đồng BT số 01/2015/HĐ-BT ngày 19/6/2015 với nhà đầu tư.

Năm 2015, Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh - Công ty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh - Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn được chỉ định làm nhà đầu tư Dự án. Dự án khởi công năm 2015. Đến tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Dự án được thực hiện theo điều khoản chuyển tiếp quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015: “Dự án đã có cam kết hoặc chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ, ngành, UBND cấp tỉnh về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ưu đãi, bảo đảm đầu tư và các nội dung khác liên quan đến thực hiện dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tổng số thanh toán cho nhà đầu tư giai đoạn 1 là hơn 1.500 tỷ đồng, hiện được giải quyết hơn 900 tỷ đồng, còn thiếu hơn 500 tỷ đồng.

Ngày 8/7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, Dự án đã xong giai đoạn 1. Tỉnh đang rà soát cơ sở pháp lý, tới đây sẽ tiến hành kiểm toán. Nếu năm nay không vướng dịch Covid-19 thỉ Tỉnh sẽ cố gắng bố trí thanh toán, nhưng do khó khăn về nguồn thu ngân sách nhà nước, nên Tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc liên quan thanh toán cho Dự án.

Theo ông Thọ, kinh nghiệm của Bộ GTVT khi xử lý vướng mắc tại các dự án BT như Quốc lộ 20, La Sơn - Túy Loan, cầu Đà Nẵng, khi Chính phủ cho chủ trương thì xử lý theo nguyên tắc rà soát lại theo quy định của Nhà nước, cái gì chưa đúng thì nghiêm túc kiểm điểm, sửa lại theo quy định. Đồng thời, thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, quyết toán, rồi tính ngược phương án tài chính để hoàn trả. “Bộ GTVT có hợp đồng cách đây 10, 15 năm phải đàm phán lại, trên cơ sở hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư, không ép nhà đầu tư quá và nhà đầu tư cũng đừng ép Nhà nước quá”, ông Thọ chia sẻ.

“Xác định được rồi phải ghi vốn kế hoạch để trả cho nhà đầu tư. Còn 500 tỷ đồng nữa cố gắng chấm dứt, khóa lại, Trung ương hỗ trợ được bao nhiêu, còn lại trình ra Hội đồng nhân dân quyết trả 1 lần là tốt nhất. Nếu năm nay làm tốt hết các thủ tục thì kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 có thể trả được nhà đầu tư”, ông Thọ tư vấn cho Phú Yên.

Về giai đoạn 2 của Dự án, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ không làm tiếp theo hình thức hợp đồng BT vì Luật PPP đã cấm thực hiện.

Chuyên đề