Thành lập hãng bay, tiềm lực của Vietravel ra sao?

(BĐT) - Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VTR. 
Vietravel hiện là công ty lữ hành lớn nhất cả nước với doanh thu năm 2018 lên đến 7.233 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn
Vietravel hiện là công ty lữ hành lớn nhất cả nước với doanh thu năm 2018 lên đến 7.233 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn

Trước đó, vào đầu năm, Vietravel từng gây xôn xao thị trường khi quyết định lập hãng hàng không với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, Vietravel mới chỉ góp 5 tỷ đồng vào hãng bay này.

Tham vọng lập hãng hàng không chuyên phục vụ du lịch

Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải (Tracodi). Công ty bắt đầu mang tên Vietravel từ năm 1995 và được cổ phần hóa vào năm 2014, chính thức không còn vốn nhà nước. Trụ sở chính được đặt tại 190 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP.HCM. Chủ tịch HĐQT của Công ty là ông Nguyễn Quốc Kỳ (sinh năm 1958).

Ông Kỳ cũng là cổ đông lớn nắm giữ 9,07% vốn điều lệ của Vietravel. Công ty còn một cổ đông lớn khác là Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và lữ hành quốc tế Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 16,22%.

Ngành nghề hoạt động chính của Vietravel là điều hành tour du lịch, bao gồm việc kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, ngoài ra còn có xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại, dạy nghề.

Sau khi công bố ý định gia nhập thị trường hàng không vào đầu năm 2019, tham vọng của Vietravel bước đầu được hiện thực hóa khi Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) được thành lập vào ngày 19/2/2019. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu của doanh nghiệp này là 300 tỷ đồng và do Vietravel sở hữu 100% vốn, mục tiêu là tạo ra hãng hàng không chuyên phục vụ du lịch. Sân bay căn cứ đặt tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tới nay, quy mô vốn của Vietravel Airlines đã được đăng ký nâng lên mức 700 tỷ đồng, đặt mục tiêu hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020, khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 10/2020. 

Mới chỉ góp 5 tỷ đồng vào Vietravel Airlines

Để có thể thành lập một hãng hàng không, bên cạnh các vấn đề chuyên môn vận hành thì tiềm lực tài chính đóng vai trò then chốt.

Theo báo cáo tài chính quý II/2019, tại thời điểm 31/6/2019, tổng tài sản của Vietravel đạt 1.654 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 1.435 tỷ đồng, gấp 6,5 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ phải trả của Công ty phần lớn đến từ khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước ngắn hạn là 1.052 tỷ đồng. Còn ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, phần lớn tài sản của Công ty là các khoản phải thu ngắn hạn với quy mô 957 tỷ đồng. Số dư tiền chỉ vào khoảng 240 tỷ đồng.

Tiềm lực tài chính “khiêm tốn” là lý do khiến Hội đồng Quản trị Vietravel hủy kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị 80 tỷ đồng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4/2019. Thay vào đó, Vietravel đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho Dự án Vietravel Airlines vào ngày 8/8 vừa qua. Quy mô của đợt phát hành trái phiếu đúng bằng vốn điều lệ đăng ký của Vietravel Airlines.

Cho đến nay vẫn chưa thấy Vietravel công bố kết quả xin ý kiến cổ đông về việc này. Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vietravel, tại thời điểm cuối quý II/2019, Công ty mới chỉ “rót” vào Vietravel Airlines 5 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của Vietravel, trong năm 2017, doanh thu thuần của Công ty đạt 6.184 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 37,2 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh thu của Vietravel tiếp tục tăng trưởng, đạt 7.233 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 56% lên 58 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Công ty đạt 3.606 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, chưa bằng một nửa của cả năm 2018.

Chuyên đề