Thanh Hóa hoàn thiện hạ tầng, tăng sức hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là tỉnh nằm trong Top đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thanh Hóa xác định hạ tầng kỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy địa phương này dần trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc.
Cảng hàng không Thọ Xuân đang được tỉnh Thanh Hóa phấn đấu nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025
Cảng hàng không Thọ Xuân đang được tỉnh Thanh Hóa phấn đấu nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025

Những hạt nhân tăng trưởng

Tính đến hết tháng 4/2023, với 180 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,8 tỷ USD, Thanh Hóa đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước về thu hút FDI. Đa phần các doanh nghiệp (DN) lựa chọn điểm đến là các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Tỉnh.

Thanh Hóa hiện có 8 KCN (không bao gồm các KCN trong Khu kinh tế Nghi Sơn) có tổng diện tích 1.424,2 ha và điểm nhấn là Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích khoảng 106.000 ha, chia thành 55 phân khu. Đây là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, được xác định trở thành hạt nhân tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Đến nay, khu kinh tế này đã được đầu tư xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN tại Thanh Hóa được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Công ty TNHH KCN Thăng Long (thuộc Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản) đang nghiên cứu đầu tư hạ tầng KCN - đô thị - dịch vụ cách TP. Thanh Hóa 11,2 km về phía Tây. Tập đoàn WHA Thái Lan đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Phú Quý (huyện Hoằng Hóa).

Ông Hoàng Sỹ Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hạ tầng kỹ thuật của địa phương có tác động hết sức tích cực đối với việc thu hút đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN của Tỉnh.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã được khai thác sử dụng từ ngày 29/4/2023. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã được khai thác sử dụng từ ngày 29/4/2023. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối

Trong những năm qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế của Tỉnh đã được đầu tư. Trong đó, có thể kể đến đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã được khai thác sử dụng từ ngày 29/4/2023, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về TP. Thanh Hóa còn khoảng 2 tiếng thay vì 2,5 - 3 tiếng như trước. Tuyến đường giải quyết nhu cầu vận tải giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các KCN, du lịch dọc tuyến. Ngoài ra, tuyến cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đang dần hình thành, dự kiến vận hành trong tháng 8/2023.

Để bảo đảm tính kết nối, phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực, bố trí 7.512 tỷ đồng để đầu tư các tuyến đường kết nối các tuyến giao thông trục chính của Tỉnh với các nút giao của đường cao tốc. Bên cạnh đó, Tỉnh đang triển khai các dự án thành phần đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, Hoằng Hóa - Sầm Sơn, Sầm Sơn - Quảng Xương (đã thông xe), Quảng Xương - Nghi Sơn, để kết nối thuận tiện với các tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng… Ngoài các tuyến cao tốc huyết mạch, một số tuyến kết nối các trung tâm kinh tế của Tỉnh đã và đang dần hình thành.

Về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới, ông Lê Minh Nghĩa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa - cho biết, sẽ ưu tiên hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua tỉnh Thanh Hóa); đường nối Quốc lộ 47B với Quốc lộ 45 đi Ninh Bình; đầu tư các tuyến đường kết nối tuyến giao thông trục chính của Tỉnh với các nút giao của đường cao tốc Bắc - Nam; đường nối từ trung tâm TP. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân và các huyện phía Tây.

Ông Nguyễn Thanh Quân - Tổng giám đốc Tổng công ty CP Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn, một trong những nhà thầu thi công Dự án tuyến nối trung tâm TP. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân chia sẻ, tuyến đường mới hoàn thành sẽ giúp giảm 1/3 thời gian di chuyển, đồng thời giảm áp lực cho tuyến cũ (Quốc lộ 47) và mở thêm hướng đi mới kết nối khu vực phía Tây như KCN Lam Sơn - Sao Vàng với Khu kinh tế Nghi Sơn và TP. Thanh Hóa. “Kết nối giao thông và hạ tầng luôn là vấn đề cốt lõi để thu hút đầu tư, không chỉ riêng Thanh Hóa mà còn của các tỉnh, thành khác. Kết nối giao thông có thuận lợi thì mới thu hút được đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài”, ông Quân nhấn mạnh.

Bên cạnh đường bộ, Thanh Hóa còn có lợi thế về thu hút đầu tư, phát triển vận tải biển và logistics. Thanh Hóa sở hữu cảng nước sâu Nghi Sơn là cảng loại I, đang được quy hoạch thành cảng đặc biệt, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT. Ngoài ra, Cảng hàng không Thọ Xuân cách Khu kinh tế Nghi Sơn 60 km đang được Tỉnh phấn đấu nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025. Đồng thời, tuyến đường sắt từ khu vực Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn đang được nghiên cứu xây dựng.

Tại Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản diễn ra tháng 5/2023, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đánh giá, Thanh Hóa là điểm đến đầu tư hết sức hấp dẫn. Để thu hút các nhà đầu tư lớn vào Thanh Hóa, Tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các dự án hạ tầng kỹ thuật và để làm việc đó cần tận dụng nguồn vốn ODA từ Nhật Bản. “Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, chúng tôi đã hỗ trợ trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng nhiệt điện (Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn) và trong thời gian tới sẽ xây dựng hạ tầng Dự án Nạo vét luồng vào Cảng Nghi Sơn sử dụng vốn ODA”, ông Yamada Takio cho biết.

Nhờ tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, diện mạo tỉnh Thanh Hóa đang thay đổi từng ngày. Với nền tảng đó, Tỉnh có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nâng tầm phát triển kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư