Bản phác họa tiêm kích tàng hình thế hệ 6 của hãng Northrop Grumman. Ảnh:Northrop Grumman |
Trong hơn hai thập kỷ, chiến đấu cơ Mỹ và các đồng minh châu Âu đã làm chủ bầu trời. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách về công nghệ, buộc Mỹ phải tính tới phương án chế tạo một loại tiêm kích thế hệ mới để duy trì ưu thế, theo WSJ.
Hiện nay không quân Mỹ đang sở hữu hai loại tiêm kích tàng hình thế hệ 5 được cho là hiện đại nhất thế giới. Tiêm kích đa nhiệm F-35 có khả năng tàng hình cao, được thiết kế đặc biệt để thực hiện các đòn không kích chính xác có giới hạn. Tiêm kích tàng hình F-22, được biên chế năm 2005, có thể bắn hạ máy bay địch khi hành trình ở tốc độ gấp hai lần vận tốc âm thanh, có thể luồn sâu để không kích phá hoại và thu thập thông tin tình báo trong lãnh thổ địch.
Trong khi đó, các đối thủ chính của Mỹ như Nga và Trung Quốc cũng đã có những bước tiến vượt trội trong công nghệ chế tạo máy bay tàng hình thế hệ 5.
Nga có kế hoạch biên chế T-50, tiêm kích tàng hình đầu tiên của nước này, trong năm 2018. Đây là máy bay hai động cơ được thiết kế với khả năng cơ động cao, trang bị các hệ thống điện tử tối tân để phát hiện máy bay địch từ xa.
Trung Quốc đưa vào thử nghiệm J-20, loại tiêm kích khá giống F-22 Mỹ, từ năm 2011 dù chưa biên chế trong quân đội. Một năm sau, Bắc Kinh bắt đầu bay thử nghiệm tiêm kích FC-31, một thiết kế giống tiêm kích F-35 Mỹ.
Ngoài ra, cả Nga và Trung Quốc đang sở hữu các hệ thống phòng không tối tân. Moscow cho biết hệ thống tên lửa S-400 mới của họ có thể bắn hạ các máy bay ở khoảng cách lên tới 379 km. Hệ thống phòng không hiện đại này đã được Trung Quốc ngỏ ý đặt mua từ Nga.
Để đối phó với các mối đe dọa mới này, không quân Mỹ bắt đầu phát triển các máy bay tàng hình thế hệ mới hiện đại hơn. Ngoài mục tiêu phát triển chiếc tiêm kích Xuyên thủng Lưới Phòng không (PCA) để bay kèm oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider, không quân Mỹ đang tính tới việc chế tạo một loại tiêm kích tàng hình thế hệ 6 hoàn toàn mới.
Hồi tháng 5, hải quân Mỹ đã triển khai quá trình đánh giá kéo dài 18 tháng để tìm phương án chế tạo tiêm kích thế hệ mới vào năm 2035 nhằm thay thế đội chiến đấu cơ sắp hết niên hạn F/A-18E/F Super Hornet.
Tiêm kích F-35B của Mỹ. Ảnh: US Marine Corps
Tuy Lầu Năm Góc hiện vẫn xác định chính xác các tính năng mong muốn trên tiêm kích thế hệ mới, các nhà thầu quốc phòng như Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman đã bắt đầu phác họa tính năng của chiếc chiến đấu cơ tương lai.
Các nước châu Âu gần đây cũng bắt đầu cân nhắc phát triển chiến đấu cơ mới để đối phó với mối đe dọa đến từ Nga, theo Douglas Barrie, một chuyên gia cao cấp về hàng không quân sự ở Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London.
Ngoài việc mua tiêm kích F-35 để hiện đại hóa không quân, Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch hợp tác công nghệ với Mỹ và Pháp để phát triển chiến đấu cơ mới.
Đức cũng muốn một chiến đấu cơ mới để thay thế tiêm kích Tornado đang dần lạc hậu và đang cân nhắc các lựa chọn có người lái và không có người lái.
Không ai biết cụ thể tính năng tiêm kích tàng hình thế hệ 6, nhưng sau quá trình phát triển kéo dài đầy tốn kém của các tiêm kích thế hệ 5 như F-22 và F-35, giá cả phải chăng và tính giản đơn sẽ được hoan nghênh ở chiến đấu cơ thế hệ mới này, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.