Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh:Newscom |
"Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong khu vực và trong ASEAN nên việc ông Duterte muốn tăng cường quan hệ song phương với Hà Nội là điều không đáng ngạc nhiên. Hai bên sẽ thảo luận về tình hình hiện nay ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp giữa một số thành viên ASEAN với Trung Quốc", Tiến sĩ Malcolm Davis, Viện chính sách chiến lược Australia.
Chuyên gia này phân tích, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng ông Duterte muốn xích lại gần hơn với Trung Quốc. Manila cũng thông báo tổng thống của họ sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng 10. Do đó, chuyến thăm này giúp tổng thống Philippines cân bằng quan hệ với Trung Quốc - ASEAN nhằm hạn chế những rủi ro mà hợp tác với Bắc Kinh có thể gây ra.
Ông Nguyễn Thạc Dĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Philippines, cho hay ông Duterte đến Việt Nam khi hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nước Đối tác chiến lược thứ ba của Philippines, sau Mỹ và Nhật Bản. Từ đó hợp tác trong nhiều lĩnh vực đã được tăng cường, thương mại liên tục tăng trưởng và năm ngoái đạt hơn ba tỷ USD.
"Hợp tác Việt Nam - Philippines thời gian qua cũng có bước thăng trầm nhưng đặc điểm chung là các đời tổng thống Philippines đều mong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam vì lợi ích chung và vì hòa bình, ổn định của khu vực", ông Dĩnh nói.
Theo Tiến sĩ Davis, khi đến Việt Nam, ông Duterte sẽ nhắm vào việc tăng cường hợp tác thương mại, du lịch để giúp hai nước cùng phát triển lợi ích kinh tế. Còn với hợp tác ở Biển Đông, chuyên gia người Australia cho rằng điều đó phần lớn phụ thuộc vào ý định của ông Duterte trong quan hệ với Trung Quốc.
Nếu tổng thống Philippines thực sự muốn tăng hợp tác với Trung Quốc, sau khi Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của Bắc Kinh, điều này sẽ khiến lập trường chung của ASEAN bị suy giảm.
"Trung Quốc thậm chí có thể gia tăng hoạt động ở mọi nơi trên Biển Đông, đẩy lui Philippines ra xa bãi cạn Scarborough hoặc Bãi Cỏ Mây hay tuyên bố thiết lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ)", ông Davis cảnh báo.
Cựu đại sứ Dĩnh bày tỏ sự lạc quan khi nhắc đến trao đổi giữa Philippines và Trung Quốc, cho rằng Manila sẽ tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng tiến trình ngoại giao, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Về phía ASEAN, Tiến sĩ Davis cho rằng sự thống nhất của hiệp hội về tranh chấp Biển Đông gần đây "bị lung lay" do một số thành viên chịu áp lực từ phía Trung Quốc. Việt Nam và Philippines là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Biển Đông nếu diễn biến xấu thêm. Vì vậy hai nước cần tăng cường đoàn kết với nhau để giúp ASEAN giữ vững quan điểm chung về giải quyết tranh chấp này.
"Tôi cho rằng việc chính phủ Việt Nam tăng cường trao đổi với ông Duterte về tầm quan trọng của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông nhân chuyến thăm này là điều rất quan trọng", ông Davis nói.